Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng giải quyết vấn nạn bạo lực đối với các cô dâu người nước ngoài, trong bối cảnh xảy ra nhiều trường hợp bi kịch do tình trạng bạo lực gia tăng tại các gia đình đa văn hóa ở xứ sở kim chi. Tại Hàn Quốc có khoảng 123 phụ nữ nước ngoài bị chồng hoặc người yêu sát hại trong năm 2013 - theo số liệu thống kê của Đường dây nóng Hàn Quốc, tổ chức được lập ra nhằm ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình.
Tuy người nước ngoài chỉ chiếm 2,5% dân số Hàn Quốc, song với tình trạng nhiều vụ giết người dính líu đến phụ nữ nước ngoài từ năm 2012, chính phủ và các chuyên gia người Hàn Quốc đều nhận định rằng hầu hết phụ nữ nhập cư dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Cô dâu, chú rể trong lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc. |
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, rào cản ngôn ngữ và văn hóa là nguyên nhân chính gây ra nạn bạo hành. “Vào khoảng vài thế kỷ trước, phụ nữ Hàn Quốc di cư sang Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lúc đó kinh tế đất nước còn khó khăn, hầu hết dân nhập cư thường thuộc tầng lớp nghèo khó. Thậm chí khi ra nước ngoài lấy chồng, những phụ nữ này còn không biết người bạn đời của mình là ai. Họ không thể nói tiếng Anh, chính vì vậy việc ra khỏi nhà là rất hạn chế. Họ cũng không thể lao động cũng như không thạo nấu ăn theo khẩu vị phương Tây” - ông Choi Sung-ji, Giám đốc phụ trách các gia đình đa văn hóa tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình giải thích.
“Thực trạng đó giống như nhưng gì đang diễn ra với những phụ nữ nhập cư hiện nay. Phụ nữ từ các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á đến Hàn Quốc kết hôn song thực tế lại không hề biết người mình lấy là ai. Không nói được tiếng Hàn, không hiểu rõ văn hóa của xứ xở kim chi khiến họ ở vào tình thế bất lợi và không thể có được một mối quan hệ bình đẳng vợ chồng”.
Trong năm 2007, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành đạo luật mở các trung tâm đa văn hóa trên toàn quốc, với mục đích cung cấp các khóa học cũng như dịch vụ hỗ trợ cho những cô dâu người nước ngoài. Những trung tâm này dạy ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc để cô dâu nước ngoài có thể dễ dàng hòa nhập với gia đình chồng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến chỉ trích chính phủ Hàn Quốc quá tập trung vào chính sách “đồng hóa văn hóa” mà quên chú trọng vào các biện pháp thiết thực bảo vệ những cô dâu ngoại quốc khỏi nạn bạo hành gia đình và nâng cao nhận thức về quyền lợi của người nhập cư.
“Thay vì những buổi trình diễn văn hóa, tại sao các trung tâm không dành quỹ đó để nâng cao nhận thức, đồng thời tư vấn cho phụ nữ nhập cư về quyền lợi của họ” - bà Heo Young-sook, Tổng Thư kí của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ nhập cư Hàn Quốc phát biểu - “chúng ta đầu tư rất nhiều tiền vào những trung tâm đa văn hóa như vậy, nhưng những gì chúng ta nhận được là tình trạng ngược đãi các cô dâu người nước ngoài ngày một tệ hơn”.
Bà Heo Young-sook đưa ra giải pháp cần phải trừng trị những kẻ môi giới và ban hành luật ngăn chặn cô dâu ngoại quốc nhận được quốc tịch Hàn Quốc. Việc kết hôn sẽ đem lại cho cô dâu người nước ngoài tại Hàn Quốc một thẻ visa cho phép sống 2 năm tại quốc gia này. Sau đó, việc gia hạn thẻ sẽ phụ thuộc vào gia đình nhà chồng cũng như phụ thuộc vào việc xem xét các điều kiện để cô dâu nước ngoài có thể trở thành công dân chính thức tại Hàn Quốc. Chính hệ thống visa này đã làm cho những người phụ nữ nhập cư trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng, dẫn đến nhiều vụ ngược đãi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cũng đã dần có những biện pháp thay đổi thực trạng đáng báo động này. Kể từ tháng 4/2014, nam giới Hàn Quốc muốn lấy vợ người nước ngoài cần phải đảm bảo thu nhập hàng năm tối thiểu 14.000 USD/năm và buộc phải tham dự một khóa đào tạo đặc biệt nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo hành gia đình. Các nhà chức trách cũng tăng cường việc kiểm tra các hãng môi giới hôn nhân và mở rộng dịch vụ tư vấn cho các cô dâu ngoại quốc. Kế hoạch này hi vọng sẽ góp phần tạo ra những gia đình đa văn hóa lành mạnh tại xứ sở kim chi.
Hồng Hạnh