Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu cô dâu trầm trọng, và hiện cần tới hàng triệu cô gái để đáp ứng nhu cầu kết hôn của số lượng đông đảo đàn ông ở nước này.Các cô dâu nước ngoài tới Trung Quốc kết hôn. |
Tìm vợ nước ngoàiTại Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, nam giới muốn lấy vợ phải mất ít nhất 64.000 USD, số tiền đủ mua một ngôi nhà và đồ sính lễ cần thiết. Khoản tiền này là khá cao so với mức sống của người dân địa phương vậy nên, nhiều người đã tìm tới các “bà mối” để tìm kiếm cơ hội kết hôn với các phụ nữ nước ngoài là người châu Á. Trong trường hợp này, họ chỉ phải trả khoảng 18.500 USD kèm lời đảm bảo được hoàn trả toàn bộ chi phí trong trường hợp cô dâu bỏ trốn.
Những người trả tiền để lấy vợ theo dịch vụ mai mối nói trên thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội. Theo quan niệm lâu nay ở Trung Quốc, một người đàn ông nghèo khó có thể lập gia đình. Theo các số liệu thống kê mới đây, số đàn ông Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ 33,8 triệu người trong tổng dân số hơn 1,3 tỷ người.
Nguyên nhân trực tiếp của sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc bắt nguồn từ thái độ “trọng nam khinh nữ”. Trong văn hóa Trung Quốc, người con trai nhận trọng trách duy trì, phát huy truyền thống họ nội (họ cha) cũng như phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Những năm 70 của thế kỷ trước, chính sách “Một con” của Trung Quốc đã biến văn hóa này thành điều bắt buộc, khiến các bậc cha mẹ phải thực hiện chính sách này bằng cách lựa chọn giới tính cho con trước khi sinh (và bỏ con nếu siêu âm thai nhi mang giới tính nữ).
Báo cáo của chính phủ năm 2013 cho thấy tỷ lệ sinh nam/nữ là 117,6/100 trong khi tỷ lệ tự nhiên là 103 - 106 bé trai/100 bé gái). Ở nông thôn, sự chênh lệch này còn cao hơn nữa. Về dài hạn, sự mất cân bằng như vậy có thể dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới, tới 20% vào năm 2020.
Ở một đất nước mà số lượng nam giới vượt xa số nữ giới, người phụ nữ càng có nhiều cơ hội lựa chọn trong việc kết hôn. Kết quả là “giá” cô dâu và của hồi môn trả cho gia đình cô dâu ngày một tăng lên, đặc biệt ở các khu vực nông thôn. Một nghiên cứu năm 2011 về “giá lấy vợ” ở Trung Quốc cho thấy từ những năm 1960 - 1990, mức giá này đã tăng gấp 70 lần ở vùng nông thôn.
Những hệ lụy
Những hệ lụy của một xã hội thiếu phụ nữ đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trong thời gian qua tại Trung Quốc. Một nghiên cứu gây nhiều tranh cãi năm 2007 dựa vào dữ liệu phạm tội cấp tỉnh trong 16 năm cho thấy tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày một tăng có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm nói chung ở Trung Quốc tăng cao. Trong khi đó, một cuốn sách xuất bản cùng năm này cho rằng dư thừa đàn ông đe dọa sự cân bằng của xã hội Trung Quốc và trật tự thế giới.
Ngoài ra, một hậu quả nhãn tiền của sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là khi nhu cầu lấy vợ vượt quá "nguồn cung", “ngành công nghiệp” bù đắp khoảng trống đó chắc chắn sẽ mọc lên. Nạn buôn bán cô dâu là một ví dụ điển hình. Những năm gần đây, các số liệu cho thấy nạn buôn người đang tập trung vào phụ nữ ở các nước châu Á.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng này có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Và trên thực tế, số lượng các cô gái nước ngoài cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu kết hôn của hàng chục triệu đàn ông độc thân ở Trung Quốc, kể cả khi những cô gái này sẵn sàng sang Trung Quốc để kết hôn và định cư.
Hạnh Nhân (Theo Bloomberg)