Hóc búa bài toán khai thác tài nguyên Bắc Cực

Bắc Cực là một trong những nơi có trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản lớn trên thế giới. Gần đây, hiện tượng băng tan mau cùng với việc nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh gấp hai lần mức trung bình đã làm tăng hy vọng về khả năng đẩy mạnh khai thác cũng như mở rộng hoạt động giao thông bằng đường biển tại vùng này. Tuy nhiên, các nhà khai thác tại Bắc Cực đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hóc búa về việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho các dự án khai thác nguồn tài nguyên “trời phú” này.

Một giàn khoan dầu ở Bắc Cực.


Việc giá dầu và khoáng sản - bao gồm cả quặng sắt - sụt giảm trong khi chi phí khai thác và vận chuyển vẫn ở mức cao, cùng với  những căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Nga xung quanh vấn đề Ukraine, đã khiến giới đầu tư tỏ ra “thờ ơ” với Bắc Cực. Một tàu phá băng chở khí đốt từ Siberia có giá trị lên tới 100 triệu USD, cao hơn 50% giá trị tàu thông thường. Đó là chưa kể tới các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp tuyến đường sắt phục vụ các cảng tại Bắc Cực.

Tuy nhiên, theo ông Peter Evensen, Giám đốc Điều hành của Công ty dầu khí Teekay LNG Partners tại Canada, ngay cả khi chi phí không quá lớn, việc tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án khai thác tài nguyên tại Bắc Cực vẫn là rất khó khăn bởi căng thẳng leo thang giữa phương Tây với Nga đã khiến các ngân hàng rụt rè hơn trong việc cho vay.

Trong tháng 7, hai tập đoàn Teekay và China LNG đã đặt mua sáu tàu chở khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) để xuất khẩu khí đốt được khai thác từ bán đảo Yamal của Nga từ năm 2018, theo một dự án trị giá 27 tỷ USD giữa Novatek của Nga, Tập đoàn dầu khí của Trung Quốc và Tập đoàn Total của Pháp.

Tuy nhiên, Giám đốc Evensen cho rằng khó khăn lớn nhất đối với Yamal cũng như các nhà cung cấp khí đốt khác là “liệu có thể tiếp cận nguồn vốn?”. Sau khi bị các ngân hàng phương Tây gây khó dễ, Teekay đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn tài trợ sang Trung Quốc và Nga - nước có tuyến đường vận tải biển chính của Bắc Cực chạy qua lãnh hải.    

Theo Stein-Hugo Steffensen thuộc hãng xe lửa Ofoten (Na Uy), tuyến xe lửa nối Đại Tây Dương và biển Baltic được khai trương vào năm 1903 và được xem như là một “kênh đào Suez của Na Uy”. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD để nâng cấp tuyến đường sắt nối mỏ quặng sắt của công ty LKAB của Thụy Điển với cảng Narvik    - nơi các toa tàu cần phải được trang bị hệ thống phun nước để chống đóng băng hàng hóa vào mùa đông - để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về xuất khẩu quặng sắt.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ và cũng là nhà hoạt động bảo vệ môi trường, Al Gore, cho biết  mặc dù biến đổi khí hậu đã gây những ảnh hưởng nhất định tại Bắc Cực nhưng băng sẽ không tan nhanh như dự báo. Điển hình là trong mùa hè năm 2014, băng vẫn bao phủ khoảng 5 triệu km trên biển Bắc Cực, gần gấp đôi diện tích của Ấn Độ.

Băng tan tại Bắc Cực đã mở ra một tuyến đường rút ngắn chạy dọc theo phía bắc nước Nga, nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và tạo ra vô số cơ hội khai thác tài nguyên tại khu vực này. Tuy nhiên, khả năng tận dụng cơ hội “có một không hai” này của Moskva là tương đối khó khăn, do Nga đang là “nạn nhân” của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Thêm vào đó, việc nước này thu phí phá băng cao cũng đang làm nản lòng giới đầu tư.  
 
Một số chuyên gia cho rằng thế giới hiện vẫn chưa cần khai thác dầu từ Bắc Cực do nguồn cung dầu vẫn còn khá phong phú tại những khu vực khác. Theo ông trùm về dịch vụ vận chuyển của Na Uy Fred Olsen, trong mọi trường hợp, dầu mỏ được khai thác ở Bắc Cực sẽ là “đắt nhất thế giới”. Ước tính, để khoan được một giếng dầu ở Bắc Cực sẽ mất chi phí khoảng 500 triệu USD. 

Đón đọc kỳ tới: Nhiều rủi ro


Phương Nga

Nga sẽ phủ sóng radar toàn bộ Bắc Cực
Nga sẽ phủ sóng radar toàn bộ Bắc Cực

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết nước này sẽ phủ sóng rađa ở toàn bộ Bắc Cực vào trước cuối năm nay theo như một phần kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN