Đài Spunik đưa tin các nhà khảo cổ học tuyên bố đã khám phá được những gì mà họ gọi là mạng xã hội lâu đời nhất thế giới, hoạt động trải dài hàng nghìn km giữa miền Nam và miền Đông châu Phi. Mạng lưới kết nối này chuyên được sử dụng để buôn bán các loại hạt làm từ vỏ trứng đà điểu (OES).
Nhóm chuyên gia tại Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại (Đức), trong đó có hai tác giả chính là Jennifer Miller và Yiming Wang, đã tiến hành nghiên cứu kéo dài một thập kỷ về hơn 1.500 hạt OES cổ đại được tìm thấy tại 30 thành phố của châu Phi.
Kết quả được công bố trên tạp chí Nature mới đây cho thấy những người làm ra chuỗi hạt cách đây 50.000 năm đã trao đổi chúng qua những khoảng cách rất lớn, do đó giúp mọi người chia sẻ nhiều thông điệp mang tính biểu tượng cũng như củng cố các liên minh vào thời điểm đó.
Nhà nghiên cứu Jennifer Miller đã mô tả những hạt nhỏ bằng vỏ trứng này là thứ ẩn chứa những câu chuyện to lớn về quá khứ của con người. "Chúng tôi biết rằng về mặt di truyền, những nhóm người này ở châu Phi có một số liên hệ với nhau, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng văn hóa nào. Thật kinh ngạc khi biết những người sống cách đây 40.000 đến 50.000 năm lại có một loại mạng xã hội trải dài đến vậy”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Ngược lại, ông Wang đánh giá kết quả của nghiên cứu là đáng ngạc nhiên, do có tính mô hình rất rõ ràng. "Trong suốt 50.000 năm chúng tôi kiểm tra, đây là khoảng thời gian duy nhất các hạt có đặc điểm giống nhau", ông lý giải.
Ông đang đề cập đến những phát hiện của nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của một mạng xã hội cổ đại trải dài hơn 3.000 km và kết nối mọi người ở hai khu vực châu Phi, nơi sử dụng các hạt OES gần như giống hệt nhau.
Thật không may, theo các nhà nghiên cứu, mạng lưới này cuối cùng đã không còn tồn tại ở miền Nam châu Phi cách đây 33.000 năm, có thể do sự thay đổi lớn của khí hậu toàn cầu.
Ngày nay, những người đi săn bắn, hái lượm ở châu Phi vẫn làm vòng đeo từ vỏ trứng đà điểu, song không nhằm mục đích trao đổi thông tin nữa.