Theo đài Sputnik (Nga), thị trấn Villa Las Estrellas nằm trên hòn đảo King George thuộc Chile ở rìa Nam Cực, chỉ có dân số không quá 100 người. Cư dân sinh sống ở đây hầu hết là các nhà nghiên cứu và những người phục vụ nghiên cứu khoa học. Do đó, việc tìm bác sĩ là điều vô cùng khó khăn.
Chính quyền địa phương đã áp dụng một quy định kỳ lạ, đó là yêu cầu tất cả mọi người phải cắt ruột thừa trước khi chuyển đến sinh sống. Điều này bắt nguồn từ địa hình đặc biệt của Villa Las Estrellas. Mặc dù nằm gần một sân bay, nhưng nếu bị đau ruột thừa, người dân sẽ không thể tiếp cận dịch chăm sóc y tế kịp thời. Thị trấn nằm trên hòn đảo hẻo lánh luôn phủ đầy băng tuyết, cách xa khu vực sinh sống của phần lớn dân cư trên thế giới. Nơi đây cách bờ biển Nam Cực 120 km và cách bệnh viện có khả năng làm phẫu thuật gần nhất là hơn 1.000 km. Do vậy, việc cắt ruột thừa giúp người dân hạn chế các tình huống phải đi cấp cứu.
Việc cắt ruột thừa là một sự hy sinh cần thiết cho những người chuyển đến Nam Cực sinh sống. Đây không chỉ là lời khuyên cho những ai muốn đến sống ở vùng lãnh thổ thuộc Chile, mà còn là lời khuyên chung cho nhiều du khách khi đến các lục địa xa xôi khác sinh sống. Lịch sử đã có nhiều câu chuyện cho thấy ngay cả khi có bác sĩ, họ cũng không thể cứu bạn trong trường hợp khẩn cấp.
Hồi năm 1961, trong chuyến thám hiểm với nhiệm vụ xây dựng một trạm nghiên cứu mới ở Nam Cực, bác sĩ đa khoa người Liên Xô Leonid Rogozov bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và cơ thể yếu dần và đau dữ dội ở vùng bụng. Là một bác sĩ phẫu thuật, ông đã dễ dàng chẩn đoán đó là có các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa cấp tính.
Thời tiết bão tố đã khiến ông không thể về đất liền. Ông Rogozov phải đối mặt với ranh giới sự sống và cái chết. Là bác sĩ duy nhất trong chuyến thám hiểm, Rogozov đã đưa ra quyết định duy nhất đó là tự phẫu thuật, với sự giúp đỡ của hai thành viên trong đoàn thám hiểm. Ca phẫu thuật rất khó khăn và có lúc ông suýt bất tỉnh, nhưng cuối cùng, Rogozov đã thành công. Ông đã trở thành người đầu tiên và là người duy nhất lập được kỳ tích như vậy.
“Tôi không ngủ cả đêm qua. Đau đến thấu xương. Một cơn bão tuyết như quét qua người tôi, rít lên như 100 chú chó rừng. Vẫn không có triệu chứng rõ ràng rằng hiện tượng thủng ruột sắp xảy ra, nhưng cảm giác ngột ngạt về một điều gì đó cứ treo lơ lửng trên đầu. Tôi phải nghĩ thông cách thực hiện ca phẫu thuật với chính mình. Nó gần như là không thể, nhưng tôi cũng không thể chỉ khoanh tay và bỏ cuộc”, ông Rogozov viết trong nhật ký.
Tại Mỹ, cắt ruột thừa từng phổ biến vào cuối thế kỷ 19, nhưng nhanh chóng bị phản đối sau khi giới khoa học nhận thấy tầm quan trọng của cơ quan này đối với hệ miễn dịch và tiêu hóa.