Trong sự trồi sụt bất định ấy, dự báo các nền kinh tế lớn trên toàn cầu ngày một phân hóa mạnh hơn và có nền kinh tế cá biệt đã ươm mầm ẩn họa.
Những gập ghềnh của năm trước
Năm 2015, thế giới không phải đối mặt với “sóng thần tài chính” như năm 2008, nhưng lại không ngừng biến động: Dư chấn từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa dứt; Hy Lạp thậm chí từng đối mặt với rủi ro rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone); Quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) có lúc căng như dây đàn với dự báo rằng sớm nhất là trong năm 2016 này, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU. Tại Mỹ, vấn đề trần nợ công vẫn chưa thể đạt được sự thống nhất trong Quốc hội, vì vậy, vào mùa thu năm 2015, Chính phủ Mỹ một lần nữa đứng trước nguy cơ đóng cửa do cạn kiệt ngân sách. Ở châu Á, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, bước vào “trạng thái bình thường mới” cùng với biến động lớn nhất trong 6 năm lại đây trên thị trường chứng khoán.
Dư thừa nguồn cung đang gây áp lực lớn lên giá dầu. |
Nét nổi bật khác của kinh tế toàn cầu năm 2015 là ảnh hưởng của nhân tố địa chính trị. Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng khuyếch trương thanh thế mạnh mẽ ở Trung Đông, chiếm lĩnh tuyệt đại đa số các khu vực quan trọng tại Syria, khiến Syria trở thành tiêu điểm đấu tranh của các cường quốc thế giới. Tao loạn ở Trung Đông đã làm dấy lên làn sóng di cư sang châu Âu, khiến “lục địa già” đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đẩy các nước châu Âu tới bờ vực chia rẽ. Bên cạnh đó, trong khi những ám ảnh về cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1 chưa tan, vào tháng 11, nước Pháp lại chìm trong tang tóc khi để xảy ra tấn công khủng bố liên hoàn ở Thủ đô Paris làm 130 người thiệt mạng. Đây là sự kiện bạo lực khủng bố gây ra tác động nghiêm trọng nhất kể từ sau sự kiện 11/9, khiến cả thế giới lo lắng.
Tất cả những nhân tố trên đã ảnh hưởng và khiến kinh tế toàn cầu điều chỉnh mạnh mẽ. Một mặt, xu thế hồi phục của các nền kinh tế phát triển chưa ổn định. Trong khi đà tăng trưởng của đầu tầu kinh tế thế giới Mỹ đã thể hiện rõ thì kinh tế Eurozone và Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Mặt khác, các nền kinh tế mới nổi cho thấy xu thế phân hóa rõ rệt. Trong các nước BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (từ 6,9% trở lên), nhưng kinh tế hai nước Nga, Brazil đều đã rơi vào suy thoái còn kinh tế Nam Phi cũng rớt xuống đáy.
Tỉ giá đồng NDT sẽ trở thành tâm điểm kinh tế thế giới năm nay.
|
Sự mất cân bằng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự phân hóa về chính sách tiền tệ. Ngày 16/12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố tăng lãi suất, chính thức kết thúc chính sách lãi suất gần bằng 0 kéo dài trong 7 năm. Trước động thái trên của FED, các nước như Na Uy, Indonesia, Philippine... án binh bất động. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia, Kuwait, Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và các nước, vùng lãnh thổ có chu kỳ kinh tế giống Mỹ như Mexico hay có đồng nội tệ neo vào đồng USD như Hong Kong đều phải tăng lãi suất để đối phó.
Đồng thời, quyết định tăng lãi suất của FED còn gây áp lực giảm giá trên thị trường hàng hóa. Đối với các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, nhất là dầu mỏ, đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế. Ngoài ra, sự điều chỉnh sâu sắc của kinh tế toàn cầu cũng như sự phân hóa về chính sách tiền tệ đã gây ra biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế. Dòng tư bản quốc tế thể hiện rõ xu thế chuyển từ các nền kinh tế mới nổi về các nước phát triển. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục bị mất giá. Lạm phát ở Nga, Brazil, Venezuela... tăng mạnh.
Năm mới tới cùng kỳ vọng và phấp phỏng
Tạm biệt năm 2015 đầy biến động, thế giới bước vào năm 2016 cùng nhiều kỳ vọng đổi thay, nhất là việc Mỹ tự tin chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng (QE) và quyết định tăng lãi suất, cho thấy nước này đã hồi phục ổn định sau khủng hoảng và dần trở lại, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, thế giới đã phải đối mặt với việc chứng khoán Trung Quốc “sập sàn”, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và giá dầu quốc tế lao dốc mạnh.
Quả thực, tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất đáng lo. Ngày 19/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP năm 2015 của nước này chỉ đạt 6,9%, là mức thấp nhất trong 25 năm qua. Đặc biệt, việc số liệu kinh tế tháng 12/2015 của Trung Quốc đi xuống toàn diện, từ tiêu dùng đến sản xuất công nghiệp càng khiến giới đầu tư bất an. Nhiều người đang tìm cách xác định xem sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc có lan rộng và kéo tụt đà tăng trưởng của thế giới hay không.
Trên thực tế, nỗi lo về kinh tế Trung Quốc không phải bây giờ mới xuất hiện. Manh nha có thể thấy được từ cơn chấn động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/6/2015 và việc Trung Quốc phá giá đồng NDT 2% vào ngày 11/8/2015. Tất cả đều gây sốc và tác động mạnh tới thị trường toàn cầu. Những diễn biến trên thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối Trung Quốc những ngày đầu năm 2016 càng làm lo ngại tăng lên.
Do tăng trưởng đi xuống dự kiến Trung Quốc có thể phải áp dụng tất cả các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết. Thậm chí, Bắc Kinh có thể sẽ không ngần ngại từ bỏ một số nội dung cải cách, bao gồm cả việc kéo dài tiến trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nợ nần chồng chất, bơm tiền dựng dậy các “xác chết” này, làm nợ xấu tăng mạnh. Trong khi đó, số liệu mà tờ “Tin tức Thế giới” (Mỹ) có được cho thấy tới cuối năm 2015, nợ xấu đã chiếm 15% tổng dư nợ ngân hàng Trung Quốc. Tình hình đã rất giống so với những gì diễn ra ở Mỹ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát vào năm 2008.
Bên cạnh đó, thế giới hiện rất lo ngại khả năng để cứu xuất khẩu, Trung Quốc quay trở lại giảm giá đồng NDT sau thời gian ngắn tăng giá từ trung tuần tháng 1/2016. Bởi năm 1997, các nước châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng đồng NDT phá giá và FED khởi động chu kỳ tăng lãi suất, làm dấy lên cuộc cạnh tranh giảm giá đồng nội tệ ở các nước Đông Nam Á. Hệ quả là hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp bị phá sản, khiến đa số nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã xảy ra.
Ngoài ra, cùng với sự sụt giảm của giá dầu, Nga một lần nữa trở lại tâm điểm chú ý. Còn nhớ, sau khi Liên Xô cũ can dự vào Afghanistan, Mỹ và Saudi Arabia đã bắt tay nhau khiến giá dầu giảm từ mức 32 USD/thùng của năm 1985 xuống còn 8 USD/thùng vào giữa năm 1986, làm kinh tế Liên Xô hoàn toàn bị tê liệt. Hiện nay, sau khi Nga can dự vào Ukraine và gần đây là Syria, một kịch bản tương tự dường như đang có cơ hội lặp lại.
Cụ thể: Năm 2014, mức giá dầu đảm bảo cân bằng ngân sách của Nga là 114 USD/thùng. Nhưng năm 2014, giá dầu đã giảm từ mức 107,78 USD/thùng của tháng 1 xuống còn 56,45 USD/thùng vào tháng 12. Và trong những ngày đầu năm 2016 này, giá dầu có lúc chỉ còn dưới 27 USD/thùng, là mức thấp nhất trong 13 năm, thấp hơn cả mức đáy của giá dầu (30 USD/thùng) trong thiết kế ngân sách năm 2016 của Nga. Tình thế bắt buộc Chính phủ Nga phải nhóm họp, thảo luận biện pháp cắt giảm chi tiêu công 10% và tăng thêm nguồn thu ngân sách mới vào ngày 18/1 vừa qua. Dự kiến, giá dầu sẽ còn giảm ít nhất là tới cuối năm 2016 khi cung cầu trở nên cân bằng như dự báo của nhiều chuyên gia. Trong bối cảnh lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực, kinh tế Nga sẽ tiếp tục co thắt, đau đớn.
Nói tóm lại, chỉ lướt qua tình hình kinh tế của hai cường quốc được cho là có khả năng cạnh tranh vị trí bá chủ toàn cầu của Mỹ có thể thấy tình hình kinh tế toàn cầu năm 2016 này khá u ám. Nhưng trong bầu không khí ảm đạm đó, người ta vẫn thấy những điểm sáng đáng chú ý. Theo dự báo của hãng tin Bloomberg (Mỹ), kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh nhất thế giới ở mức 7,4%. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế có quy mô vừa và nhỏ như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka, Kenya, Panama, Philippine, Uganda, Dominica sẽ tiếp tục tăng tốc, đóng góp nhiều hơn vào sự tăng trưởng chung của thế giới. Goldman Sachs cũng dự đoán năm 2016 có thể là năm giá tài sản ở các nền kinh tế mới nổi chạm đáy và tìm lại được động lực tăng trưởng. Đương nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ không còn cao như hồi đầu thế kỷ này.