Gia cầm sống được bày bán tại một chợ ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vào ngày 1/1 vừa qua, Trung Quốc đã khởi động chương trình điều tra nông nghiệp toàn quốc lần thứ 3. Đây là sự kiện diễn ra 10 năm một lần và là một phần thiết yếu trong công cuộc đánh giá nguồn lực nông nghiệp của Trung Quốc.
Có gần 5 triệu nhân viên đảm nhận nhiệm vụ kiểm kê để đưa ra con số chân thực nhất về lượng gia súc, gia cầm, lương thực... tại các vùng nông thôn Trung Quốc.
Những dữ liệu kiểm kê này sau đó được xem xét kỹ càng bởi các quan chức Trung Quốc, những người đang nhìn nhận cải tổ nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Cuộc điều tra được đánh giá sẽ phác thảo bức tranh toàn cảnh về quy mô sử dụng đất và khả năng tiêu thụ thịt gia súc gia cầm trong xã hội Trung Quốc hiện đang có nhiều biến chuyển.
Hiện tại việc trồng ngô đang đe dọa vượt qua lúa gạo tại Trung Quốc và cuộc điều tra nông nghiệp toàn quốc sẽ hỗ trợ quan chức nước này đưa ra quyết định có nên giảm sản lượng ngô hay không. Cuộc điều tra dự kiến hoàn thành trong tháng 3 năm nay với hơn 200 triệu gia đình nông thôn và 3 triệu đơn vị kinh doanh nông nghiệp tham gia.
Kết quả thống kê gia súc gia cầm trong cuộc điều tra nông nghiệp toàn quốc tại Trung Quốc năm 2006. |
Kết quả thống kê diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày trong cuộc điều tra nông nghiệp toàn quốc tại Trung Quốc năm 2006. |
Ngoài ra, khi các vấn đề về nhập khẩu lương thực, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang ngày càng nhức nhối tại Trung Quốc thì cuộc điều tra sẽ đưa ra bằng chứng rõ ràng về khả năng bảo toàn an ninh lương thực của đất nước hơn 1,3 tỉ dân này.
20% dân số thế giới hiện nay là người Trung Quốc nhưng nước này chỉ sở hữu 7% diện tích đất có thể trồng trọt trên toàn hành tinh. Với sự mất cân bằng này, trong những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu lương thực hàng đầu thế giới và thậm chí còn thuê nhiều diện tích đất trồng trọt ở nước ngoài như Australia, Argentina và các nước châu Phi.
Nhà nghiên cứu kinh tế tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Fred Gale nhận định cuộc điều tra quy mô “khủng” trên của Trung Quốc chỉ ra rằng nước này không còn là nơi các bác nông dân gieo trồng vụ mùa và nuôi gia cầm gia súc ở sân sau nhà nữa.
Việc phát triển nông nghiệp theo xu hướng công nghiệp tại Trung Quốc đã giảm giá thành các sản phẩm nhưng cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường thì không thể đong đếm. Chính phủ Trung Quốc năm 2010 đã công bố kết quả điều tra cho thấy ngành nông nghiệp còn gây ra ô nhiễm môi trường nhiều hơn cả các nhà máy của nước này.