Nga thành thiên đường mua sắm nhờ ruble giảm giá

Trang mạng RBK của Nga cho biết do đồng ruble giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác, chỉ trong vài tuần, nước Nga trở thành trung tâm mua sắm của thế giới. Các công ty xử lý nhanh chóng xác định sự tăng vọt trong giao dịch thẻ tín dụng của công dân nước ngoài ở các cửa hàng Nga, và chính các nhà bán lẻ cũng nói tới dòng người mua hàng nước ngoài.


Người dân đổ xô mua hàng điện tử.


Vấn đề nằm ở chỗ đồng tiền các nước khác từ đầu năm nay không giảm mạnh như đồng ruble. Các cửa hàng Nga vẫn giữ giá bán vì thế cùng một sản phẩm song cửa hàng bán lẻ ở Nga bán rẻ hơn. Chẳng hạn có thể mua Iphone 6 Plus bộ nhớ 16 GB tại Ulmart.ru của Nga với giá 677 USD - rẻ hơn nhiều mức giá tại cửa hàng Olx.kz của Kazakhstan (935 USD) hay Technoshok.shop của Belarus (920 USD).


Theo UCS, một trong những công ty xử lý lớn nhất của Nga (chiếm 25% thị phần với khoảng 70.000 cửa hàng và doanh nghiệp dịch vụ từ các cổng POS), trong tháng 11, người mua hàng Armenia, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và các nước khác đã tăng mạnh chi tiêu tại các cửa hàng Nga. Ví dụ, người Armenia chi 123,64% nhiều hơn cùng kỳ năm trước; người Trung Quốc - 85,73%; Belarus - 78,31%; Kazakhstan 32,51%. Ngược lại, công dân Mỹ, giảm shopping tại Nga 6,12%.


Người Belarus và Kazakhstan quan tâm nhiều nhất tới hàng điện tử - giá trị mua lập tức tăng lần lượt là 123,1% và 121,85%. Người Trung Quốc quan tâm nhiều tới trang sức và đồng hồ - tăng 3,9 lần.


Theo công ty xử lý ChronoPay, với các thẻ phát hàng tại Kazakhstan, người mua hàng trên mạng tháng trước chi nhiều hơn 140% so với cùng kỳ năm trước; còn người Belarus tăng chi 29%.


Theo qui luật, cuối năm là thời điểm giao dịch bằng thẻ của người Kazakhstan và Belarus tăng, song thông thường mức tăng không quá 7-10%, Giám đốc bán hàng của ChronoPay trong phân khúc bán lẻ, Lorex Tsaava giải thích. Mức tăng mạnh hơn cả về lượng tiền lẫn giao dịch. Theo ông, "hóa đơn trung bình ở mức 3.700 ruble, tăng không đáng kể. Số lượng giao dịch kỷ lục ghi nhận tại các cửa hàng gia dụng và điện tử".


Số liệu của các ngân hàng mua, chủ sở hữu các cổng POS tại các cửa hàng, xác nhận xu hướng này. Theo tính toán của ngân hàng Alfa-Bank, tỷ lệ, ví dụ, người mua Belarus trong tổng giao dịch trên mạng tăng từ 4% giai đoạn tháng 10-11/2013 lên 5% cùng kỳ năm 2014, của người Kazakhstan từ 2% lên 3%. Đại diện ngân hàng Petrocommerce cho biết tổng lượng tiền người Belarus và Kazakhstan chi trong 2 tháng đó tăng khoảng 1,5 lần, cũng như số giao dịch.


Tuy nhiên, Phó chủ tịch, người đứng đầu bộ phận thẻ, nhận nợ và thương mại điện tử của TransCapitalBank, Igor Antonov lưu ý số lượng giao dịch bằng thẻ nước ngoài trong giai đoạn tháng 9-12 của ngân hàng này hầu như không tăng, chưa tới 1%. Ông cho biết: "Theo số lượng giao dịch tại ngân hàng chúng tôi, thật ngạc nhiên, đứng đầu là thẻ Thụy Sĩ. Thứ 2 với chệnh lệch sít sao - dự kiến là thẻ từ Kazakhstan, thứ 3 là thẻ Litva. Về số tiền, trong nhóm 10 nước đầu tiên chủ yếu là các nước Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc".


Các nhà bán lẻ RBK phỏng vấn khẳng định họ không theo dõi số liệu về người mua Nga và nước ngoài, song vẫn lưu ý tới dòng tới trong thời gian gần đây. Người đứng đầu bộ phận báo chí của M. Video, ông Anton Panteleev cho biết đại diện mạng lưới bán hàng này ở các tỉnh miền Tây nước Nga, cụ thể là tỉnh Smolensk, báo cáo lên trụ sở rằng khách hàng từ Belarus đã tăng mạnh.


Giám đốc PR của công ty Rolf, cô Svetlana Branickaya xác nhận người Belarus và Kazakhstan tích cực mua ô tô - từ tháng 10 những người này chiếm hơn 60% tổng dòng người mua. Cô cho biết: "Trong tháng 11, đây là xu thế thực sự. Ở lĩnh vực xe cao cấp, tỷ lệ người mua Belarus và Kazakhstan có thể lên tới 70%".


Giám đốc của một trong các công ty trực thuộc Hiệp hội các đại lý bán ô tô Nga (ROAD), cũng lưu ý tới thực tế số xe các công dân nước láng giềng - Ukraine, Belarus, và Kazakhstan- tăng lên. Người đứng đầu chi nhánh Smolensk của "Support Russia", Elena Moskovtseva cho biết các doanh nhân trong vùng thực sự đã lưu ý tới xu thế này, và "làm ăn thậm chí gia tăng chút ít" nhờ người nước ngoài.


Duy Trinh  (P/v TTXVN tại Nga)

Đồng ruble tăng giá
Đồng ruble tăng giá

Đồng nội tệ ruble của Nga bắt đầu tăng giá dè dặt so với đồng USD và euro sau khi Ngân hàng Trung ương Nga công bố 7 biện pháp nhằm hỗ trợ khu vực tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN