Một người ăn xin trên một con phố trung tâm tại Thủ đô Bern. |
Khi nhắc đến Thụy Sĩ, bạn sẽ liên tưởng đến điều gì? Rất đơn giản: đồng hồ, phomat, sô cô la, sự giàu có, các thành phố
quốc tế Geneva, Zurich, hoặc Roger Federer… Mới đây, Thụy Sĩ còn được Liên hợp
quốc xếp hàng thứ 4 trong số các quốc
gia hạnh phúc nhất thế giới. Phải chăng tất cả mọi người ở Thụy Sĩ đều hạnh
phúc? Thụy Sĩ có đúng là giấc mơ? Sự thật không phải hoàn toàn như vậy…
Ba
mức nghèo tại Thụy Sĩ
Kể từ năm 2007, Văn phòng Thống kê Liên bang (OFS) thường xuyên đưa ra các số
liệu về nghèo đói ở Thụy Sĩ. Tùy theo “chuẩn nghèo tuyệt đối” hoặc “chuẩn nghèo
tương đối”, số liệu có thể thay đổi từ 590.000 tới 1.080.000 người nghèo, nghĩa
là con số có thể dao động lên gần gấp đôi. Có những 3 cách khác nhau để xác định
mức nghèo khổ: nghèo tuyệt đối dựa trên mức thu nhập tối thiểu để tồn tại mà với
mức thu nhập này, người ta không thể được hưởng hàng hóa và dịch vụ cần thiết.
Ngưỡng nghèo tuyệt đối được xác
dịnh dựa trên 3 yếu tố: chi phí tồn tại tối thiểu, chi phí nhà ở, cộng với 100 francs Thụy Sĩ (CHF)
mỗi
tháng đối với mỗi cá nhân từ 16 tuổi trở lên dùng cho chi tiêu thiết yếu và bảo
hiểm sức khỏe. Tổng của ba chi phí này làm thành ngưỡng nghèo tuyệt đối. Tất cả
những người có thu nhập thấp hơn ngưỡng trên thì bị coi là nghèo và chiếm
6,6% dân số 530.000 người (thống kê 2014).
Ngược lại, nghèo tương đối dựa trên sự phân bố thu nhập ở Thụy Sĩ và mức ngưỡng
được xác định dựa trên chuẩn châu Âu và bằng 60% giá trị trung bình của thu nhập quốc gia. Người có thu nhập
dưới ngưỡng này là người có nguy cơ nghèo tương đối trong so sánh với toàn bộ
dân số. Theo tiêu chuẩn nghèo
này, nguy cơ nghèo luôn tồn tại ở tất cả các quốc gia và có đến 1.080.000 người
Thụy Sĩ nằm trong số người nghèo tương đối. Nghĩa là trong những người thuộc diện nghèo tương đối, có những người vẫn còn có thể trang trải những nhu cầu cơ bản về ăn uống,
quần áo, nhà cửa và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, so với phần còn lại của dân
số thì thu nhập của họ thấp hơn đáng kể và nguy cơ bị rơi vào nhóm nghèo tuyệt đối
là cao.
Cách đánh giá thứ ba về nghèo, tạm gọi là độ thiếu thốn vật chất, dựa trên
khả năng sắm sửa các hàng hóa thiết bị thiết yếu trong gia đình. Phương pháp này đo
mức độ không sở hữu hàng tiêu dùng hay không có điều kiện sinh hoạt tối thiểu
do thiếu nguồn lực tài chính. Thiếu thốn vật chất được định nghĩa là vì thiếut tiền mà không đáp ứng được ít nhất ba trong chín tiêu chí đã được định
nghĩa. Một tiêu chí quan trọng là khả năng chi một khoản 2.500 CHF không trong
kế hoạch từ trước. Có đến 21,6% người Thụy Sĩ năm 2014 không có khả năng này.
Tiêu chí thứ hai là điều kiện nơi ở: khu vực sống có nhiều tiếng ồn, có tỉ lệ tội
phạm cao, trong các khu vực bị ô nhiễm… Một số chỉ tiêu khác: cứ 2 ngày mới có
một bữa ăn đầy đủ, không có tivi, không có máy tính, không có máy giặt hoặc
không thể đi nghỉ tối thiểu một tuần trong vòng một năm… Theo cách tính này, Thụy
Sĩ có 4,6% dân số nghèo.
Tâm
lý ngại nhận trợ cấp xã hội
Tuy nhiên, có rất nhiều người không muốn hưởng trợ cấp xã hội. Lí do chủ yếu là sợ gánh nặng thủ tục
hành chính với các giấy tờ phức tạp, hoặc sợ bị kỳ thị. Tại các thành phố, tỉ lệ
từ chối trợ cấp xã hội là 14%. Ngoài các thành phố, tỷ lệ có thể đạt 50% trong
các ngôi làng nơi tất cả mọi người đều biết nhau và tâm lý xấu hổ hoặc cảm thấy nhục nhã có thể khiến họ từ chối trợ cấp. Chính quyền
ở tất cả mọi nơi đều đẩy mạnh đấu tranh chống lạm dụng trợ cấp xã hội. Vô hình
chung, việc chống lạm dụng làm cho những người khó khăn – vốn là mục tiêu của trợ
cấp xã hội – lại tự cảm thấy như thể mình đang lạm dụng trợ cấp này.
Nhóm hộ gia đình có một người lớn là nhóm có rủi ro nghèo cao nhất, trong đó
có người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) sống một mình hoặc hộ gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân cùng với trẻ em. Nhóm mẹ
đơn thân nuôi một hoặc nhiều con là nhóm dễ rơi vào nghèo đói nhất.
Thường thì các bà mẹ phải nghỉ
việc hoặc giảm bớt phần trăm làm việc để có thời gian nuôi dạy trẻ. Nếu sau đó
người mẹ li dị, họ sẽ ngay lập tức gặp khó khăn tài chính do không có thu nhập.
Những định nghĩa về nghèo như ở trên là những định nghĩa dài hạn. Người nghèo
là người không phải chỉ nghèo trong một vài tuần mà là người mất đi tầm nhìn dài hạn, tự trở nên ốm đau. Họ tự đào thải
ra khỏi xã hội, hoặc tự cách li. Lấy ví dụ, các bố mẹ đơn thân nuôi con và
nghèo thì rất sợ các sự kiện diễn ra trường học của con
chẳng hạn. Thời điểm căng thẳng nhất trong tuần
có lẽ là lúc đứa con trở về từ trường học và báo với mẹ rằng nó được mời đến
sinh nhật bạn. Một khoản chi tiêu nhỏ nhưng phát sinh ngoài kế hoạch và người mẹ
không biết xoay tiền từ đâu ra.
Ở Thụy Sĩ, khi rơi vào hoàn cảnh nghèo theo phương pháp tính nghèo tuyệt
đối ở trên, bạn có thể nhận được nhiều sự giúp đỡ
từ các tổ chức khác nhau.
Thụy Sĩ không phải chỉ có hào quang lóng lánh mà cũng có mặt trái của nó,
giống như bất kì một xã hội nào
khác. Theo anh Phạm Minh Hải, một Việt kiều tại Thụy Sĩ, có một điều chắc chắn:
Trong số các anh chị em từng học tập tại Thụy Sĩ và giờ đây chưa có quốc tịch
nhưng đang sinh sống tại Thụy Sĩ, chưa có ai rơi vào tình trạng phải xin trợ cấp
xã hội. Đơn giản là vì một khi bạn chưa có quốc tịch và bạn xin trợ cấp xã hội thì không sớm cũng muộn bạn sẽ hết giấy
phép cư trú và không được cấp lại. Nhưng có những trường hợp khác.
Theo lời kể của anh Hải, anh biết một chị người Việt sống ở bang
Valais (phía Tây Nam Thụy Sĩ) từ 2 năm nay với chồng là người Thụy Sĩ. Hai người
mới có với nhau một em bé nay được
1 tuổi. Ngoài ra, chị mang theo
con riêng nay đã 15 tuổi. Anh chồng
là lái xe tải, mức lương là 4.300 CHF/tháng (có lương tháng 13). Tiền thuê
nhà là 1.300 CHF. Bảo hiểm sức khỏe khoảng 800 CHF/tháng cho cả nhà. Còn nhiều
thứ phải chi tiêu như tiền trả góp ô tô, tiền tivi internet, điện, nước,
rồi cuối cùng tiền ăn chỉ còn
500-600.CHF/tháng. Chị nói chỉ dám ăn một bữa/ngày. Việc thiếu ăn là có thật.
Chị sang 2 năm nhưng nói tiếng Pháp rất ít, hầu như cách li với xã hội và cũng
không có liên hệ với cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ. Hai vợ chồng không giao tiếp
được với nhau do anh cũng không biết tiếng Việt – vấn đề tương đối phổ biến ở
Thụy Sĩ. Có vẻ chị chưa biết gì về cuộc sống ở Thụy Sĩ, sau 2 năm.
Tóm lại, ở Thụy Sĩ có người bị đói không? Có! Không có người bị chết vì đói nhưng có thể thiếu ăn. Việc có người Việt bị đói ở
Thụy Sĩ là có thật.
Một điều đáng lưu ý là sau khi có thông tin được đăng trên các mạng xã hội
về trường hợp của đôi vợ chồng trên,
ngày
22/3/2017, nhân viên trợ cấp xã
hội của bang Valais đã liên hệ với hai vợ chồng. Họ cho biết thu nhập của anh
chồng là thấp nhưng chưa rơi vào mức nghèo tuyệt đối mà ở mức nghèo tương
đối. Vì thế mà hai vợ chồng sẽ
không được nhận trợ cấp xã hội (đó cũng là lí do vì sao anh chồng lại có thể bảo
lãnh vợ và con riêng của vợ sang Thụy Sĩ). Tuy nhiên, theo hoàn cảnh và thu nhập
của gia đình, bang Valais sẽ hỗ trợ một phần lớn chi phí bảo hiểm y tế và như thế cả gia đình sẽ tiết kiệm được ít nhất tầm khoảng 600
CHF/tháng – cuộc sống sẽ dễ thở hơn bây giờ. Nhân viên trợ giúp xã hội cũng sẽ
giúp trả một số hóa đơn theo kiểu một tổ chức đứng ra trả một hóa đơn cho một lần
duy nhất. Việc này có thể giúp cho gia đình giảm nợ nần nếu có. Nhân viên an
sinh xã hội cũng hứa hẹn nhiều trợ giúp khác nhỏ hơn nhưng đều rất có ích
và thiết thực.