Thế giới cần 265 tỷ USD mỗi năm để xóa nghèo đói

Người đứng đầu Quỹ Quốc tế cho Phát triển Nông nghiệp (IFDA), ông Kanayo F. Nwanzen cho rằng thế giới cần phải khẩn trương hành động để có thể huy động được khoảng 265 tỷ USD mỗi năm - số tiền cần thiết để đạt được hai mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.

Các bé gái chơi đùa tại khu vực Hodeida, Yemen ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu trước hội nghị quốc tế mang tên "Đầu tư vào việc biến đổi toàn bộ khu vực nông thôn: Những cách tiếp cận tài chính mới" diễn ra tại Rome (Italy) trong hai ngày 26-27/1, ông Nwanze cho biết mặc dù trong những thập niên qua các nước đã đưa ra nhiều cam kết cũng như nỗ lực để chấm dứt nạn nghèo đói, song "mỗi ngày vẫn có gần 800 triệu người bị đói ăn, và một số lượng người tương tự đang sống trong cảnh vô cùng nghèo khổ".

Do đó, ông khuyến cáo rằng cần phải sử dụng một cách sáng tạo hơn các nguồn lực công cũng như huy động tài chính. Ông Nwanze cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi hơn để khu vực tư nhân và những người hảo tâm có thể đầu tư vào khu vực nông thôn, nơi tỷ lệ nghèo đói đang ở mức cao nhất. Trong khi đó, nhiều diễn giả tại hội nghị nhất trí rằng không thể phó mặc nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho các chính phủ. Trong năm 2015, viện trợ phát triển chính thức (ODA) đạt xấp xỉ 192 tỷ USD và trong đó chỉ có 9 tỷ USD được dành cho nông nghiệp.

Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh những sự thay đổi chính trị cùng nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo - bao gồm chiến tranh, di cư và thiên tai tự nhiên - đang tái định hình những mối ưu tiên trên toàn cầu và do đó ngân sách cho phát triển có nguy cơ bị chuyển sang dùng cho lĩnh vực khác. Đa số những người nghèo đói sống tại các khu vực nông thôn của những quốc gia đang phát triển.

Do đó, cần phải hướng đầu tư vào việc cải tạo khu vực nông thôn thành những vùng năng động có thể đem lại cho tất cả mọi người dân cơ hội để có việc làm tử tế và cuộc sống đàng hoàng, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ông Nwanze nhấn mạnh rằng nhu cầu tài chính cho phát triển là rất lớn, song đây cũng là những cơ hội. Khu vực nông nghiệp-thực phẩm của thế giới đang ngày một tăng trưởng, tạo ra vô số cơ hội cho khu vực tư nhân và các nhà sản xuất tại những quốc gia đang phát triển.

Được đồng tổ chức bởi IFAD, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy, Viện Brookings và trường Đại học Warwick, hội nghị trên quy tụ nhiều cơ quan phát triển, chính phủ, tổ chức từ thiện, khu vực tư nhân, giới học giả và các tổ chức nông nghiệp, với mục tiêu thảo luận các phương thức huy động tiền cũng như các biện pháp chi tiêu ngân sách một cách thông minh hơn.

TTXVN/Tin Tức
IMF chú trọng tới thực trạng chênh lệch giàu nghèo trên thế giới
IMF chú trọng tới thực trạng chênh lệch giàu nghèo trên thế giới

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde thừa nhận rằng IMF đã chậm ý thức về những nguy cơ tiềm ẩn từ bất bình đẳng thu nhập trên phạm vi toàn thế giới và hiện là thời điểm thích hợp để các chuyên gia đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN