Kết quả điều tra của giới chức trách Hàn Quốc đã chỉ ra rằng thuốc khử trùng trong máy làm ẩm không khí có chứa một loại hóa chất cực độc gây ra các bệnh về phổi, dẫn đến cái chết của bốn thai phụ vào năm 2011. Oxy Reckitt Benckiser là một trong những hãng sản xuất máy làm ẩm không khí phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Theo hãng tin BBC, từ năm 2001 - 2011, trong khoảng 500 người tử vong hoặc đổ bệnh do hít phải chất khử trùng, có 177 người sử dụng sản phẩm của Oxy Reckitt Benckiser.
Trong buổi họp báo tổ chức hồi tháng tư năm nay, Oxy Reckitt Benckiser đã chính thức xin lỗi, đồng thời cam kết chi 9 triệu USD bồi thường cho người bị hại. Song lời sám hối muộn màng không đủ để làm dịu nỗi lo sức khỏe của người tiêu dùng. Toàn bộ sản phẩm máy làm ẩm của Oxy Reckitt Benckiser đã bị thu hồi.
Người Hàn Quốc ngày càng cẩn trọng hơn khi mua các sản phẩm hóa chất. Ảnh: Yonhap |
Ngoài ra, một số sản phẩm như máy lọc nước và thuốc đánh răng xuất hiện trên thị trường Hàn Quốc cũng bị nghi là chứa độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Trong tháng 9/2016, Hãng Amore Pacific phải thu về 11 thương hiệu kem đánh răng vì lo ngại chúng có thành phần hóa học tương tự với chất khử trùng trong máy làm ẩm.
Sau vụ bê bối gây phẫn nộ dư luận của Oxy Reckitt Benckiser, tổ chức đại diện người tiêu dùng Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc thăm dò, cho thấy 87% người dân Hàn Quốc mất lòng tin vào các nhà sản xuất hàng hóa chất, bao gồm cả những thương hiệu có tiếng trên thị trường. Trong đó, 70% người cho biết họ sẽ không sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm hóa chất.
Cô Hong Hye-ran quyết định tẩy chay hàng hóa chất từ 10 năm về trước để bảo vệ sức khỏe của gia đình. Cô chia sẻ đã thay thế máy tạo ẩm bằng khăn ướt, dùng hỗn hợp bột baking soda để làm sạch bếp thay cho chất tẩy rửa và loại bỏ toàn bộ bình xịt hóa chất có nguy cơ gây hại qua đường thở.
Cũng giống như cô Hong, anh Kim Song-won (36 tuổi) tại thủ đô Seoul hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm hóa chất bao gồm thuốc xịt muỗi, côn trùng, nước hoa. Một lý do nữa khiến Song-won lạnh nhạt với với xà phòng, dầu gội đầu và nước giặt là do anh bị dị ứng. Nhiều năm về trước, anh Song-won từng thử nghiệm nói không với nước gội đầu và các sản phẩm hóa chất trong vòng gần 1 tháng. Tuy nhiên, do có quá nhiều bất tiện nên anh quyết định vẫn sử dụng một lượng nhỏ, vừa đủ để làm vệ sinh cá nhân.
Ý thức bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng, dẫn đến nhiều người có xu hướng dành thời gian nghiên cứu từng thành phần hóa học trong sản phẩm trước khi mua hàng. Các ứng dụng cung cấp thông tin về thành phần của mỹ phẩm và ảnh hưởng của nó tới da như “hwahae” trở nên rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Không dừng ở đó, trào lưu tự làm sản phẩm tại nhà từ nguyên liệu tự nhiên bắt đầu rộ lên, khiến giá của bột baking soda, axit citric và giấm tăng đột biến trong thời gian gần đây. Cô Kim U-rim, chủ một lớp dạy làm đồ hand-made ở Seoul, cho hay các lớp học đều kín người với số lượng học viên tham gia ngày càng đông.
Tuy nhiên, U-rim e ngại xu hướng này sẽ không kéo dài được lâu do sự bất tiện của việc làm đồ hand-made. “Dù hoang mang và lo sợ, nhưng mọi người sẽ nhanh chóng quay lại với thói quen sinh hoạt trước đây. Họ thà mua sản phẩm vừa rẻ lại vừa gần nhà còn hơn mất thời gian cho loạt quy trình phức tạp”, cô nói. Cô U-rim cho rằng làm đồ hand-made tuy tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm hữu ích và an toàn cho sức khỏe.