Theo giới chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực tìm cách ngăn chặn hiện trạng trên, nhưng đây là một vấn đề hết sức khó khăn vì bắt nguồn từ việc thị trường mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc.
Theo tờ Le Monde (Pháp) số ra mới đây, tình trạng vốn liếng “tháo chạy” khỏi Trung Quốc rất nghiêm trọng và vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn, thể hiện rõ nhất ở việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã "giấu" thống kê về vốn xuất ngoại của nước này trong tháng 1/2016. Mặt khác, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng đã được huy động để kêu gọi người dân không mua USD, cho rằng các tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh không sinh lời bằng tài sản được định giá bằng đồng nội tệ nước này.
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng chảy máu vốn. Ảnh: AFP |
Đối với giới chuyên gia kinh tế, vốn “bốc hơi” sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường trong nước nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, khôi phục niềm tin đã mất trong giới đầu tư.
Để chống lại tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc, giới chức tài chính nước này đã áp dụng rất nhiều biện pháp, cả kinh tế lẫn hành chính. Một trong những biện pháp phổ biến nhất là thu mua NDT để giúp đồng tiền này tăng giá. Biện pháp này được cho là đã có những thành công nhất định, giá NDT đang tăng và dần bình ổn trong tháng này. Thế nhưng cái giá phải trả rất cao khi kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đã bị mất 108 tỷ USD trong tháng 12/2015, và hụt thêm 99 tỷ USD vào tháng 1/2016. So với mức “đỉnh” 4.000 tỷ USD trong năm 2014, kho ngoại tệ của Trung Quốc hiện chỉ còn hơn 3.200 tỷ USD cho thấy mức giảm lớn nhất từ trước tới nay.
Về mặt hành chính, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế việc chuyển tiền ra thị trường nước ngoài, tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu để chống nạn chuyển tiền “lậu”.
Nhìn chung, giới có tiền tại Trung Quốc đã nghĩ ra hàng loạt kế sách để chuyển USD ra nước ngoài một cách gần như hợp pháp. Một trong những biện pháp đang rất thịnh hành là thuê người mang hộ. Theo luật hiện hành, mỗi người Trung Quốc có quyền mang tối đa 50.000 USD tiền mặt mỗi năm khi xuất ngoại. Do vậy, chỉ cần nhờ được 50 người “giúp sức” là một người có thể chuyển 2,5 triệu USD ra khỏi biên giới Trung Quốc một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, các cách chuyển tiền “lậu” trá hình khác còn là mua bảo hiểm nhân thọ bằng ngoại tệ, mua bất động sản hay công ty tư nhân ở nước ngoài.
Riêng đối với các công ty, một “mánh” khác được áp dụng khá phổ biến là khai báo lượng hàng xuất khẩu thấp hơn thực tế, yêu cầu đối tác nước ngoài thanh toán số hàng khai báo trên giấy tờ vào tài khoản chính của công ty tại Trung Quốc, còn phần dôi ra thì trả vào tài khoản mà công ty Trung Quốc đã mở ở nước ngoài.
Theo các chuyên gia, trấn áp không phải là giải pháp cho tình trạng này. Vấn đề là phải làm sao trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như nước ngoài về khả năng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại. Chỉ có cách này mới giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tránh được tình trạng "chảy máu" vốn.