Quần áo bằng 'vải sống' có thể quang hợp, lọc sạch không khí 

Roya Aghighi, nhà thiết kế người Canada gốc Iran, mong muốn khách hàng coi chiếc áo họ đang mặc là một vật thể sống.

Chú thích ảnh
Loại "vải sống" có thể phân hủy sinh học được đặt tên là Biogarmentry. Ảnh: CNN

Aghighi hy vọng con người có thể phát triển mối quan hệ mật thiết hơn với thời trang – bằng cách coi quần áo như những sinh vật sống cần sự giúp đỡ để tồn tại.

“Bạn sẽ không còn vứt quần áo vào góc tủ hay vào máy giặt. Điều này ngay lập tức sẽ thay đổi cách bạn nghĩ về quần áo”, cô nói qua điện thoại từ Vancouver.

Suy nghĩ này của Aghighi không hề xa vời như mọi người nghĩ.

Sau khi hợp tác với một nhóm các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (UBC), Roya Aghighi đã phát minh ra một loại “vải sống” có khả năng phân hủy sinh học được đặt tên là Biogarmentry. Được làm từ tảo biển, sợi vải sinh học có thể quang hợp, giúp lọc sạch không khí xung quanh nó.

UBC tuyên bố đây là loại vải sợi sống có thể quang hợp đầu tiên, đồng thời có thể tạo kiểu thành một loại áo choàng tuyệt đẹp. Trong khi những nguyên mẫu nói trên vẫn đang trong giai đoạn đầu của nghiên cứu và thiết kế, còn xa mới được sản xuất hàng loạt, chúng thách thức ngành công nghiệp thời trang phải xem xét việc giảm lượng khí thải carbon khổng lồ mà ngành này gây ra qua các loại vải thông thường.

Chú thích ảnh
"Vải sống" là loại vải đầu tiên có thể quang hợp. Ảnh: CNN

Thời trang - ngành công nghiệp ô nhiễm

Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ngành thời trang tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn các chuyến bay quốc tế và vận chuyển cộng lại, chiếm tới 10% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, người tiêu dùng Mỹ đang mua nhiều quần áo hơn bao giờ hết, cùng với đó là số lần sử dụng ít hơn. Có gần 70% quần áo và giày dép được sản xuất mỗi năm bị vứt ra các bãi rác thải.

Một trong những động lực chính của nhà thiết kế Aghighi là thay đổi mối quan hệ của con người với thời trang, từ tiêu dùng nhanh chóng, dễ bị lãng quên thành sự đồng cảm.

Mặc dù trang phục sáng tạo của cô hiện chỉ mới ở giai đoạn lên ý tưởng và thử nghiệm, một ngày nào đó người mua có thể được hướng dẫn cách căng vải ra trước cửa sổ trước khi mặc. Với ánh sáng mặt trời và tưới nước, tảo chlamydomonas rehardtii đơn bào gắn với những bộ quần áo này sẽ sống dậy.

Aghighi dự đoán thói quen tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi. “Sẽ là một sự thay đổi chậm. Nhưng tôi hy vọng rằng nó sẽ tồn tại lâu dài”, cô nói.

Chú thích ảnh
Tảo được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo vải. Ảnh: CNN

Xu hướng thời trang phi carbon

Các loại cây trồng theo truyền thống thường được sử dụng để làm quần áo như bông hay cây gai dầu, hấp thụ carbon khi chúng phát triển. Vì vậy, ngày càng có nhiều vật liệu sản xuất có nguồn gốc từ thực vật, như Rayon, được làm từ bột gỗ chuyển hóa thành cellulose tinh khiết.

Nhà thiết kế Charlotte McCurdy, làm việc tại Trường Thiết kế Rhode Island (Mỹ), cho biết hầu hết các vật liệu tự nhiên vẫn phát thải carbon.

Lấy một chiếc áo phông làm từ cotton, loại sợi tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, làm ví dụ. Ước tính vết carbon của một chiếc áo cotton trong suốt thời gian tồn tại là 15 kg CO2 với phần lớn lượng khí thải gây ra trong quá trình sản xuất và nhuộm màu tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Trong những năm gần đây, các startup (công ty khởi nghiệp) về môi trường đã đề xuất một số loại sợi tự nhiên thay thế, từ gỗ dẻ gai giống sợi cahsmere làm quần áo đi biển cho đến da xương rồng. Nhiều loại trong số này có khả năng cô lập carbon nhưng chưa sợi nào được chứng minh là đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong suốt vòng đời của quần áo, đặc biệt là khi quá trình giặt và sấy làm tăng đáng kể vết cacbon tổng thể của chúng. Thay vào đó, những thương hiệu được gọi là “âm carbon” sử dụng phương pháp bù trừ carbon như trồng cây để giảm lượng khí thải gây ra bởi họ.

Trong nghiên cứu của mình, giống như Aghighi, McCurdy đã nghiên cứu về tảo và khả năng bẫy carbon của chúng. Cô đã tạo ra một chiếc áo mưa âm carbon được làm từ tảo biển với đặc tính giống như nhựa và các thành phần phân hủy sinh học khác.

Giống như bông hoặc cây gai dầu, tảo cô lập carbon khi phát triển, quang hợp để lấy CO2 từ không khí. Tảo có thể thu nhận lượng ánh sáng mặt trời nhiều gấp mười lần so với thực vật trên cạn và nó phát triển vô cùng nhanh – với một số giống tảo có thể tăng gấp đôi sinh khối trong vòng vài giờ. Tảo có thể được chuyển đổi thành bột, trước khi được kéo thành sợi.

“Vấn đề không phải là tạo ra nhựa từ tảo, mà là cô lập carbon, và quan trọng là cách chúng ta làm điều đó và cách để các hệ thống này mở rộng quy mô”, McCurdy cho biết tại một cuộc hội thảo tổ chức bởi Bảo tàng thành phố New York.

Chú thích ảnh
Charlotte McCurdy đã tạo ra một chiếc áo mưa âm carbon được làm từ tảo biển. Ảnh: CNN

Thông điệp

Việc mở rộng quy mô sản xuất vải làm từ tảo một cách bền vững sẽ là điều cần thiết nếu những sản phẩm may mặc này trở thành nền tảng cho thời trang phi carbon 

Công nghệ sinh học tảo là một ngành kinh doanh lớn. Ngoài thế giới thời trang, nó được coi là một sự thay thế cho nhựa polyurethane – loại nhựa phổ biến nhất thế giới, được sử dụng trong mọi thứ, từ túi xách đến ngoại thất cũng như vải.

Stephen Mayfield, giáo sư khoa học sinh học tại UC San Diego, người đã chế tạo ra một chiếc dép có thể phân hủy sinh học, cho biết các vật liệu làm từ tảo hiện tại đang trong giai đoạn phát triển giống như công nghệ xe điện cách đây một thập kỷ.

“Rõ ràng xe điện là tương lai của ngành giao thông vận tải và điều này chỉ là vấn đề thời gian. Tảo cũng đang ở trạng thái tương tự. Công nghệ hiện đã sẵn sàng”, ông nói.

Các startup trong lĩnh vực công nghệ sinh học từ Mỹ, Trung Quốc đang chạy đua để mở rộng quy mô sản xuất các loại vải này, từ các mẫu thử đến sản xuất hàng loạt, để có thể cạnh tranh về giá với bông hoặc nguyên liệu tổng hợp. McCurdy coi đây là một lộ trình đầy hứa hẹn và muốn chứng tỏ rằng quần áo làm từ tảo không chỉ tốt môi trường mà còn mang tính thẩm mỹ cao.

Trong phòng thí nghiệm, vải của nhà thiết kế Aghighi phát triển thành các mẫu khác nhau –các hình dạng, đốm và dải hữu cơ khi tảo mọc lên. Khi những sản phẩm này được bán trên thị trường, Aghighi muốn mọi người chăm chút cho chiếc áo choàng hữu cơ của riêng họ, phun thuốc hữu cơ giúp tảo làm sạch không khí và thiết kế các họa tiết riêng biệt mang tính cá nhân hóa cao.

“Tôi không nói rằng quần áo của bạn phải là vật nuôi. Thành thật mà nói, ý tôi là vậy”, cô kết luận.

Danh Chân (Theo CNN)
Loại vải xa xỉ làm từ kim cương dành cho giới siêu giàu
Loại vải xa xỉ làm từ kim cương dành cho giới siêu giàu

Nhà sản xuất vải cao cấp Scabal của Bỉ đã trình làng một loại vải xa xỉ dành cho giới siêu giàu, đó là một loại vải làm từ kim cương lấp lánh và vô cùng thoải mái khi mặc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN