Trào lưu chuộng trường tư ở Trung Quốc

Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang có xu hướng quay lưng lại với hệ thống giáo dục công lập vốn coi trọng học thuộc lòng và hạn chế học sinh suy nghĩ sáng tạo. Họ bắt đầu tìm cho con mình các trường tư thục áp dụng phương pháp giáo dục nổi tiếng ở phương Tây như Waldorf hay Montessori.

Thầy hiệu trưởng Wei Yueling ngồi cùng học sinh trong lớp học ở Quảng Châu.


Chị Lu Dan, mẹ của bé Xiao Ge, là một trong những vị phụ huynh theo xu hướng này. Trong khi nhiều bạn bè cùng tuổi vào trường công lập sẽ phải học tập trong môi trường kỷ luật khắt khe, mỗi tối có cả núi bài tập về nhà, những ngày tháng học hành của bé Xiao Ge sẽ tràn ngập âm nhạc, hội họa, được học tập sáng tạo tại trường Hairong Waldorf, một trường tư theo phương pháp Waldorf. Chị Lu Dan cho hay chị thích phương pháp giáo dục nhân văn và môi trường học tập nhẹ nhàng của trường này.

Trào lưu chọn trường tư cho con một phần xuất phát từ hệ thống giáo dục truyền thống nhiều áp lực thi cử ở Trung Quốc. Áp lực học hành, thi cử lớn khiến học sinh Trung Quốc có tỷ lệ trầm cảm cao hơn trong khi lòng tự trọng lại thấp hơn các bạn cùng lứa ở các nước khác.

Trong khi đó, đến những ngôi trường tư thục như Hairong Waldorf, phụ huynh có thể thấy con cái mình chơi đùa vui vẻ với thầy cô giáo như những người bạn. Sự gắn kết thầy trò này khó lòng tìm được ở một môi trường công lập.

Về phương pháp giáo dục, những trường áp dụng triết lý giáo dục Waldorf chú trọng phương pháp tiếp cận tổng thể, sử dụng phương pháp đánh giá định tính, đặc biệt là đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học. Trường chú trọng phát triển hoạt động thể chất của học sinh và đề cao phương pháp học tập giúp trẻ phát huy được tính sáng tạo và chủ động. Một điều đặc biệt nữa là phương pháp này phản đối sử dụng thiết bị máy móc trong giảng dạy, đặc biệt là máy tính vì cho rằng máy móc khiến con người lệ thuộc và cản trở khả năng giao tiếp.

Sau khi dự hội thảo về triết lý giáo dục của Waldorf, vợ chồng Lu Dan đã loại bỏ ngay chiếc tivi và trò chơi điện tử để dành thời gian chơi đùa, tận hưởng cuộc sống thực sự cùng con. Khoảng 40 gia đình nữa vì quá “mê” phương pháp Waldorf  đã chuyển nhà đến khu vực quanh trường Hairong Waldorf.

Theo ông Wei Yueling, hiệu trưởng trường Hairong Waldorf, có khoảng 40 trường và 500 nhà trẻ theo phương pháp Waldorf  trên toàn Trung Quốc. Trường tiểu học và ba trường mẫu giáo của ông ở Quảng Châu có chừng 300 học sinh và 300 em khác đang xếp hàng chờ vào học. Học phí khoảng 6.500 USD/năm.

Một phương pháp giáo dục khác cũng trở thành “mốt” ở Trung Quốc là Montessori, trong đó chú trọng vấn đề yêu thương và tự do cho con trẻ để chúng phát triển tính tự lập.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng không phải trường nào cũng theo đúng chuẩn phương pháp Waldorf  hay Montessori. Khi ngày càng nhiều phụ huynh muốn cho con học ở những trường có áp dụng phương pháp giáo dục này, nhiều trường được thành lập vội vã và chưa hiểu thấu đáo triết lý của phương pháp. Bà Gina Lofquist, Giám đốc chương trình giáo dục Montessori ở trường Đại học Xavier, Mỹ  nhận định: Khi số trường học Montessori bùng nổ ở Trung Quốc, chắc chắn sẽ không có đủ lượng giáo viên đúng chuẩn vì quá trình đào tạo rất dễ bị cắt xén. Nhiều phụ huynh không nhận được những gì mình muốn khi trả tiền cho con học ở trường không đạt chuẩn.  Bà Gina kể: “Tôi đã đến vài trường mẫu giáo được gọi là Montessori nhưng tuyệt nhiên không có một dấu vết nào của giáo cụ Montessori. Thay vào đó là một chiếc màn hình tivi phẳng to tướng ở giữa lớp học - ngược hẳn với triết lý của chúng tôi”.

Mặc dù trào lưu cho con học trường tư thục kiểu Tây ngày càng phát triển, nhưng song song với trào lưu này là một xu hướng ngược khác: Nhiều phụ huynh Trung Quốc vẫn ngần ngại trước trào lưu Tây học và lo lắng lớn nhất của họ là khi bước ra khỏi hệ thống công lập, cơ hội để con họ vượt qua được kỳ thi đại học sẽ thấp hơn. Ông Lu Ziwen, giáo sư tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Trung ương Trung quốc nhận định: Ít bài tập về nhà hơn không phải là con đường dẫn tới thành công tương lai. Nhiều người cho rằng bạn không được để con mình thua ngay từ vạch xuất phát.


Thùy Dương
Ấn Độ: Chất lượng trường công không khác trường tư
Ấn Độ: Chất lượng trường công không khác trường tư

Hệ thống giáo dục tại Ấn Độ hơi giống mô hình giáo dục của Anh, có hai loại hình chính là trường công và trường tư. Tuy nhiên, cả trường công và trường tư đều do ba cấp quản lý và cấp kinh phí, gồm cấp trung ương, cấp bang và cấp địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN