Các biện pháp an ninh ở Séc được tăng cường sau các vụ khủng bố ở Pháp tháng 11/2015. Ảnh: Trần Quang Vinh. |
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Séc nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải chứng tỏ có khả năng giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư và điều này quyết định vận mệnh của không chỉ không gian Schengen, mà cả toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Séc và Slovakia quan tâm đến việc duy trì Hiệp ước Schengen và cho biết một hội nghị cấp cao khẩn cấp của Bộ tứ Visegrad (gồm Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan) đã được ấn định để thảo luận vấn đề người tị nạn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường bảo vệ các đường biên giới của khu vực Schengen.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp không chính thức các bộ trưởng nội vụ EU tại Amsterdam (Hà Lan), Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec tuyên bố rằng vấn đề an ninh là ưu tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Theo ông Chovanec, vấn đề bảo đảm an ninh cần phải đặt lên hàng đầu trong số các vấn đề phát sinh do việc di cư ồ ạt gây ra.
Theo Đài Radio Praha, chủ đề nghị sự chính của cuộc gặp không chính thức các bộ trưởng nội vụ EU là việc thành lập một lực lượng biên phòng chung gồm từ 1.500 đến 2.000 người. Các bộ trưởng nội vụ EU cũng xem xét khả năng lực lượng biên phòng chung này hoạt động trên lãnh thổ các quốc gia EU trong trường hợp không được sự đồng ý của các nước này. Các quốc gia thành viên Bộ Tứ Visegrad coi đề xuất như vậy là có thể chấp nhận được và các nước này cũng sẵn sàng chấp nhận sự hỗ trợ trong trường hợp tình huống khẩn cấp. Bộ trưởng Chovanec cho rằng "không thể nhắm mắt làm ngơ lâu hơn nữa" trước việc đường biên giới vòng ngoài của EU không được bảo vệ hiệu quả. Ông cũng đề xuất việc tạm thời đưa Hy Lạp ra khỏi Hiệp ước Schengen nếu nước này không thể kiểm soát được tình hình người tị nạn trên lãnh thổ của mình.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Séc vừa mới phê chuẩn việc ban hành hệ thống cảnh báo nguy cơ khủng bố gồm 4 cấp độ để xác định mức độ nguy cơ, đơn giản hóa công tác cảnh báo tới người dân và giúp tổ chức hành động của các cơ cấu an ninh.
Cấp độ nguy cơ khủng bố thấp nhất được biểu thị bằng số 0, có nghĩa là tình hình lý tưởng, không có nguy cơ đe dọa an ninh CH Séc. Cấp độ 1 được biểu thị bằng hình tam giác màu vàng cảnh báo nguy cơ khủng bố nói chung. Cấp độ 2 được tượng trưng bằng hình tam giác màu cam cảnh báo nguy cơ khủng bố cao và được ban bố sau những sự kiện cụ thể nào đó hoặc có thông tin về nguy cơ khủng bố. Cấp độ 3 được biểu thị bằng hình tam giác màu đỏ, theo đó có khả năng cao xảy ra khủng bố hoặc vụ khủng bố đã xảy ra, cần các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn các vụ khủng bố mới hoặc khắc phục hậu quả (của vụ khủng bố). Sau khi ban bố cảnh báo nguy cơ khủng bố cấp độ 3 các lực lượng an ninh sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.
Việc ban hành hệ thống cảnh báo nguy cơ khủng bố là phản ứng của CH Séc sau các vụ khủng bố hồi tháng 11 năm ngoái tại Paris (Pháp) khiến gần 160 người thiệt mạng. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Séc không có thông tin về bất cứ nguy cơ khủng bố nào tại nước mình.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống CH Séc Milos Zeman một lần nữa lại làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía các nhà bảo vệ nhân quyền Séc khi tuyên bố rằng nếu thực hiện đúng Công ước Geneva thì sẽ hạn chế đáng kể số lượng người tị nạn. Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Brno (CH Séc) ngày 25/1, ông Zeman nhấn mạnh rằng không thể coi việc đang sống tại một đất nước đang có chiến sự là cơ sở để cấp quy chế tị nạn cho tất cả mọi người. Theo ông Zeman, căn cứ vào Công ước Geneva về quyền tị nạn thì những người xin tị nạn cần phải chứng minh trên thực tế họ có bị đàn áp do bất đồng quan điểm chính trị hay không.
Việc diễn giải Công ước Geneva theo cách nghĩ của Tổng thông Séc sẽ hạn chế đáng kể số người có quyền nhận quy chế tị nạn. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng ông Zeman dựa trên bản Công ước Geneva năm 1951 mà không tính đến thực tế là từ đó đến nay các điều luật nhân đạo quốc tế đã có những thay đổi đáng kể.
Trong các chính khách ở CH Séc thì Tổng thống Milos Zeman xưa nay vẫn có lập trường hết sức cứng rắn đối với người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi.