Con người ra đi, động vật trở lạiThảm họa Chernobyl khiến phóng xạ ngấm vào lòng đất, cả một khu rừng lá kim lập tức tàn héo, nhiều loại chim lặng tiếng hót rồi không còn sải cánh trên bầu trời, thú gặm nhấm và côn trùng biến mất. 30 năm sau, chó sói, gấu, đại bàng đuôi trắng, nai sừng tấm, mèo rừng... hàng ngày vẫn sục sạo tìm thức ăn trong khu vực cấm Chernobyl nay đã thành nhà của chúng.
Những chú ngựa tại khu vực cấm Chernobyl.Ảnh: National Geographic |
Ông Denys Vyshnevskiy, nhà sinh vật học nghiên cứu khu vực cấm Chernobyl, nói với phóng viên AFP: "Khi con người rời đi, thế giới hoang dã sẽ quay trở lại". Ông Vyshnevskiy nhận định rằng tuy các cá thể động vật ở vùng cấm Chernobyl có vòng đời ngắn hơn và sinh sản ít hơn nhưng số lượng loài lại tiếp tục tăng chưa từng có kể từ trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học địa phương đã thống kê số lượng của ba loài: nai sừng tấm, hươu và lợn lòi hoang dã tại khu vực này. Kết quả cho thấy số lượng 3 loài này có chiều hướng tăng chậm nhưng ổn định. Đến giữa thập niên 90, một nhóm các nhà sinh thái học người Mỹ và Ukraine đã nghiên cứu kỹ lưỡng các loài động vật có vú nhỏ, điển hình là chuột, tại vùng cấm Chernobyl và đưa ra kết luận rằng trong 10 năm sau thảm họa, số các loài thú có vú nhỏ đã sinh sôi mạnh mẽ.
Năm 2014, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Georgia đã đặt máy quay tại khu vực bị nhiễm phóng xạ cao bị bỏ hoang ở Belarus trong vòng 5 tuần và thống kê được 173 cá thể thuộc 14 loài động vật có vú. Cuối cùng nhóm này đưa ra kết luận rằng các loài động vật hoang dã đã không bị tuyệt diệt sau thảm họa hạt nhân Chernobyl mà trên thực tế vẫn tiếp tục sản sinh.
Tranh cãi tiếp tụcNgày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) phát nổ. Đám mây bụi phóng xạ đã “chu du” khắp châu Âu và khiến hơn 100.000 người sống ở khu vực biên giới Ukraine và Belerus phải tha hương. Tổ chức Y tế Thế giới năm 2005 ước tính rằng có 4.000 người có khả năng tử vong do mắc các bệnh liên quan tới phóng xạ từ Chernobyl. |
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại không đồng tình với thông tin tích cực từ các nghiên cứu trên. Điển hình như bà Maryna Shkvyrya, nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học Schmalhausen (Ukraine), bà đã kêu gọi ngừng “lý tưởng hóa vùng cấm ở Chernobyl thành một khu bảo tồn thiên nhiên”. Bà Shkvyria đã bỏ công theo dõi tài liệu thống kê của Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine về số lượng các loài vật bị săn bắn tại vùng này và nhận ra không hề có sự khác biệt trong các thập niên 60, 80 và 90 của thế kỷ trước so với ngày nay.
Còn ông Anders Møller tại Đại học Paris-Sud và Timothy Mousseau ở Đại học Nam Carolina năm 2009 đã thực hiện khảo sát tại khu vực cấm ở Chernobyl nhưng trong phạm vi nhỏ. Bốn năm sau, họ công bố kết quả cho thấy ở những khu vực có độ phóng xạ cao, các loài động vật phát triển tương đối chậm.
Ông Mousseau còn tham khảo nghiên cứu của các nhà khoa học khác để đưa ra kết luận rằng gen của động vật bị tác động ngay cả khi bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ thấp. Hậu quả là các nhiễm sắc thể bị tổn hại hoặc tỉ lệ đột biến gen tăng.
Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tình trạng sức khỏe của các loài động vật ở vùng cấm Chernobyl bởi các nghiên cứu không thể tập trung vào cá thể nhất định do hạn chế kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính sự tác động của con người trong việc phá rừng đã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới các loài động vật.