Trong tuần đầu tháng 12/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đã tổ chức họp đánh giá và thống nhất thông qua 11 sản phẩm đủ điều kiện được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (gồm 1 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao) để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận.
Như vậy, sau khi 11 sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận, sẽ nâng tổng số sản phẩm OCOP tỉnh An Giang lên 62 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, bao gồm: 12 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao - Cấp Quốc gia là Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua Tiên Nữa - Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn.
Số chủ thể sản xuất có sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh và được trao Giấy chứng nhận là 45 chủ thể, trong đó có 4 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp và 21 cơ sở sản xuất.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm 48 sản phẩm, đồ uống 12 sản phẩm, thảo dược 1 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 sản phẩm.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Để quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, An Giang đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó, tỉnh đã tổ chức thành công “Ngày Hội sản phẩm OCOP và Hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021” diễn ra từ ngày 22-25/4/2021, tại thành phố Châu Đốc. Hoạt động kết nối giữa 4 tỉnh ABCD Mekong (bao gồm: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) tại tỉnh Đồng Tháp, trong khuôn khổ hoạt động có trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh và kết nối giữa các Chủ thể kinh tế.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang: Tỉnh cũng đã giới thiệu một số sản phẩm đạt OCOP của tỉnh như đường thốt nốt Panmaia, trà Xạ đen, trà mãng cầu, mắm cá chao cá mè vinh Ông Ba Lộc, xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo, mật ong... tại điểm bán sản phẩm OCOP tại khu Grand World Phú Quốc, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; do tỉnh Đồng Tháp thực hiện kết nối..
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng thực hiện giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình như: Tham gia đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh An Giang”, tham gia bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân ở nông thôn An Giang được cải thiện.
Tại An Giang, Chương trình OCOP hiện đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn trước, nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện vẫn còn chậm; quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chưa kịp thời; đặc biệt là công tác cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đăng ký mới chưa đáp ứng quy trình đề ra.
Để Chương trình OCOP triển khai hiệu quả, cần đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng; hỗ trợ nâng cao đối với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với với việc tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh An Giang cũng kiến nghị với Trung ương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng; hỗ trợ nâng cao đối với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh. Trong đó, hỗ trợ An Giang ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với với việc tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.