Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu, tỉnh có 895 hộ với 3.582 khẩu sống xung quanh khu vực rừng phòng hộ và sinh kế từ rừng. Trong đó, 670 hộ đang sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển Đông; 219 hộ đang sống trong thảm rừng phòng hộ được nhà nước giao khoán đất rừng để quản lý và bảo vệ rừng, 6 hộ đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ. Trước đây, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng chặt phá rừng trái phép để lấy củi, làm đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Những năm gần đây, công tác tuần tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, kết hợp với tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ đó, người dân sống trong rừng và ven rừng ngày càng nâng cao ý thức, cùng chung tay bảo vệ rừng. Đặc biệt, việc xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng đã giúp cho các hộ nhận giao khoán đất rừng có cuộc sống ngày càng được đảm bảo, rừng cũng được bảo vệ tốt hơn.
Anh Vũ Hữu Trúc, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình nhận giao khoán đất rừng gần 8,5 ha, trong đó hơn 3,5 ha được sử dụng vừa khai thác vừa bảo vệ rừng theo tỷ lệ rừng 70% rừng, 30% còn lại là diện tích mặt nước và bờ bao thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhờ thả nuôi đa dạng các loài thủy sản, bình quân mỗi năm lợi nhuận mà anh Trúc thu được trên 150 triệu đồng. Đời sống kinh tế gia đình được đảm bảo.
Theo đánh giá của các hộ nhận khoán đất rừng, với mô hình tôm - cua - cá dưới tán rừng, năng suất bình quân các loài thủy sản thu hoạch được từ 550 - 700kg/ha, các hộ thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh hưởng lợi từ việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, các hộ nhận giao khoán đất rừng còn được hỗ trợ chi phí giao khoán bảo vệ với mức 450.000 đồng/ha/năm.
Cùng với phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, người dân còn tổ chức mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm.
Điểm du lịch sinh thái Hương Rừng ở ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình của chị Nguyễn Thị Thủy được hình thành từ đầu năm 2021. Sau thời gian đóng cửa do đại dịch COVID-19, điểm du lịch này đã hoạt động trở lại, lượng khách tham quan khá đông, nhất là các ngày cuối tuần. Đến với các điểm du lịch sinh thái dưới tán rừng phòng hộ, khách du lịch được trải nghiệm giăng lưới, câu cá, câu cua, câu tôm. Đặc biệt, người tham quan có thể ngồi trên bè, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp khi len lỏi trong rừng đước, vừa tự tay chế biến, thưởng thức các hải sản.
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả
Để rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với du khách, chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh đang nghiên cứu thành lập các hợp tác xã hoặc tổ quản lý với sự tham gia của các hộ dân. Theo đó, các hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng của các xã viên, kết nối với các đơn vị du lịch lữ hành thiết kế các tour du lịch phù hợp. Đồng thời, các địa phương kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Hệ thống giao thông, điện, bến bãi...
Công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng người dân chặt phá rừng. Tuy vậy, trên thực tế, việc bảo vệ rừng phòng hộ cũng có nhiều thách thức do nhu cầu sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản. Môi trường sinh thái rừng chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, nước biển dâng. Tình trạng sạt lở, xâm thực đất rừng ven biển ngày càng phức tạp, đặc biệt là khu vực cửa biển Nhà Mát, Gành Hào.
Từ thực trạng đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu UBND tỉnh kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp, nhằm đưa ngành Lâm nghiệp của tỉnh đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp dịch vụ môi trường; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng và giữ vững an ninh, quốc phòng.
Theo ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu, để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, điều quan trọng nhất là vừa bảo vệ rừng, vừa bảo đảm cuộc sống người dân xung quanh tán rừng, giúp họ có sinh kế ổn định. Đơn vị thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng theo các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, đơn vị quan tâm nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây bản địa có năng suất cao, cây đa tác dụng để vừa có tác dụng phòng hộ, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân; phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp, xây dựng mô hình trình diễn lâm - ngư kết hợp tôm rừng.
Đặc biệt, đơn vị sẽ mời gọi các nhà đầu tư có đủ điều kiện và nguồn lực vào đầu tư, hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước; tạo việc làm, cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương; nâng cao nhận thức của cả người dân và khách du lịch về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường.