Tỉnh xác định 3 trụ cột chính nêu trên là nhiệm vụ trọng tâm để kiểm soát dịch, bảo vệ “vùng an toàn”, dần dần ổn định sản xuất, góp phần vào thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nội dung trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bình Dương chiều 19/7.
Ông có thể nói gì về tình hình công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay?
Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn 7/9 huyện, thị, thành phố, duy trì mục tiêu kép là vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch. Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bùng phát rất nghiêm trọng, có 83 doanh nghiệp trên địa bàn có người mắc COVID-19. Bên cạnh đó, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng rất cao.
Chính vì vậy, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách tại các tỉnh phía Nam kể từ ngày 19/7, tỉnh Bình Dương xác định đây là “ thời gian vàng” để quyết liệt dập dịch trên địa bàn. Trong khi thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tỉnh cũng đã triển khai việc đảm bảo an toàn sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo duy trì mục tiêu kép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” hoặc là đảm bảo an toàn COVID-19 tại nơi sản xuất, tại nơi ở công nhân, tại nơi vận chuyển công nhân đi làm việc. Các doanh nghiệp đáp ứng được một trong hai yêu cầu trên thì mới đủ điều kiện để hoạt động sản xuất.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh 14 ngày, Bình Dương có những biện pháp cụ thể gì, thưa ông?
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn số 3300/UBND-VX về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh 14 ngày, kể từ 0h ngày 19/7. Trong thời gian này, tỉnh kêu gọi mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (phải có thẻ công chức, viên chức hoặc giấy chứng minh nơi làm việc) và các trường hợp khẩn cấp khác do Sở Y tế hướng dẫn; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Song song đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị có liên quan căn cứ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 16/CT-TTg để khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện tại từng đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã dừng các hoạt động hội, họp không cần thiết; thực hiện việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc luân phiên, giảm tối đa số lượng người làm việc tập trung tại trụ sở cơ quan và thực hiện giải quyết công việc trực tuyến tại nhà nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc của đơn vị mình.
Đối với các cơ quan thuộc ngành y tế, lực lượng vũ trang, các đơn vị hoạt động công ích, phục vụ thiết yếu và các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình thực tế để bố trí cán bộ làm việc phù hợp, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ được giao; riêng ngành y tế, lực lượng vũ trang bố trí trực chiến 100% quân số.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, dịch vụ bưu chính, viễn thông, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, ứng cứu thông tin, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, với tinh thần không được “ngăn sông cấm chợ”.
Về đảm bảo hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ổn định giá cả các mặt hàng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để vi phạm các quy định pháp luật; không được để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường… trong thời gian này.
Mô hình “3 tại chỗ” đang tổ chức tại các doanh nghiệp được xem là giải pháp chống đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Vậy, mô hình này tỉnh đã triển khai như thế nào để bảo vệ “thành trì” khu công nghiệp?
Đến nay, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã có 26% doanh nghiệp với hơn 600 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ” theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang triển khai việc xét nghiệm trên diện rộng và tổ chức xét nghiệm nhanh để làm sao trong một thời gian ngắn nhất có thể đảm bảo các “vùng sạch, vùng xanh” an toàn COVID-19 và dần dần giúp các doanh nghiệp đi vào sản xuất. Đồng thời, các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao, nguy cơ cao, tỉnh đang có các giải pháp thực hiện sàng lọc trong cộng đồng theo quy định của Bộ Y tế để khẩn trương đưa các vùng nguy hiểm này sớm trở lại bình thường. Như vậy, doanh nghiệp sẽ sớm trở lại hoạt động bình thường.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đã vượt hơn 3.100 ca, tỉnh đã chuẩn bị cơ sở vật chất y tế như thế nào để điều trị cho bệnh nhân?
Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, ca bệnh đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố và tại nhiều khu, cụm công nghiệp. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cố gắng nỗ lực, thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để ngăn chặn đợt dịch bùng phát. Tỉnh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và nâng cao năng lực cơ sở thu dung cách ly, điều trị. Cụ thể, rà soát, đưa thêm các cơ sở y tế tại các huyện, thị, cùng với việc thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm nâng cao năng lực điều trị, kịp thời cho tình huống có nhiều ca bệnh.
Có thể nói, từ khi dịch bùng phát trên địa bàn của tỉnh, rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, người dân đã chung tay góp sức cho hoạt động chống dịch ngay từ khi xuất hiện ca F0 đầu tiên trên địa bàn, những hoạt động thiện nguyện như góp hàng hóa cho người dân diện phong tỏa, nhiều đơn vị đóng góp vào quỹ mua vaccine của tỉnh, mua sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ cho phòng, chống dịch...
Đặc biệt, các địa phương bạn cũng đã cử lực lượng y tế, bác sỹ, tình nguyện viên hỗ trợ cho Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch. Nhiều nơi gửi sản phẩm hàng hóa, vật tư y tế, sản phẩm nông nghiệp đến Bình Dương để hỗ trợ cho bà con. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh như đơn vị Tổng công ty Becamex kịp thời hỗ trợ tỉnh xây dựng hai bệnh viện dã chiến với quy mô 3.000 giường, trong đó, 1 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động và sắp tới là bệnh viện dã chiến thứ hai. Với việc bổ sung các cơ sở y tế khác và thêm bệnh viện dã chiến, đã nâng năng lực cơ sở y tế thu dung, điều trị của tỉnh dự kiến là 6.000 giường.
Trong điều kiện còn khó khăn nhất định, các hoạt động của người dân, doanh nghiệp đồng lòng chung tay hỗ trợ cho tỉnh, giúp vật tư sinh phẩm cho ngành y tế lúc này là rất quý giá, kịp thời.
Để đạt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp nào đặt ra của tỉnh vào lúc này và những tháng cuối năm 2021, thưa ông?
Tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà Trung ương chỉ đạo. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp khó khăn chung do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, song, Bình Dương vẫn duy trì mức tăng trưởng khá; trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu cán mốc hơn 17 tỷ USD, tăng 47,2%; thặng dư thương mại đạt 3,8 tỷ USD; thu ngân sách đạt 36.600 tỷ đồng, tăng 23%; thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65%...
Những tháng cuối năm, Bình Dương tập trung vào các giải pháp trọng tâm để hoàn thành "mục tiêu kép" như tập trung tháo gỡ khó khăn, chống đứt gãy chuỗi sản xuất – xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung khống chế cho được dịch bệnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe nhân dân; hỗ trợ chính sách kịp thời cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh theo quy định của Chính phủ…
Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh, dịch COVID-19 trên địa bàn Bình Dương sẽ sớm được kiểm soát, tiến tới dập dịch đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Xin cảm ơn ông!