Đây là chỉ tiêu nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố, nhất là đời sống người dân nông thôn từng bước ngang bằng với người dân thành thị.
Để thực hiện chỉ tiêu trên, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, trên cơ sở nâng chất các xã nông thôn mới đã được công nhận.
Để tạo nguồn lực đầu tư cho các xã nông thôn mới, thành phố tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ và thành phố, huy động tối đa các nguồn lực xã hội từ nguồn ngân sách trong và ngoài thành phố, từ các doanh nghiệp và các nguồn lực từ đất đai, tài sản, nguồn vốn, công sức trong nhân dân để đầu tư.
Về lĩnh vực kinh tế, thành phố sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thông suốt cho nhân dân. Đồng thời, thành phố tiếp tục phát triển và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như canh tác lúa, sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn trái, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, chăn nuôi trang trại, vùng nuôi thủy sản...; thực hiện thâm canh, sử dụng các giống cây, con và quy trình sản xuất hiệu quả, tạo năng suất, chất lượng cao và hiệu quả kinh tế cao cho nông dân...
Thành phố quan tâm hỗ trợ, đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả thành mô hình điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa; phát triển các mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chuyển mạnh từ mô hình sản xuất theo hộ gia đình sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết tập trung với quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân.
Cần Thơ cũng đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng, tổ chức bao tiêu hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, giúp nông dân sản xuất ổn định, nâng cao giá trị nông sản và hiệu quả kinh tế.
Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt ở khu vực nông thôn, nhất là đối với các địa phương có nguồn lực đầu tư còn hạn chế; tập trung chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...
Tính đến cuối năm 2020, Cần Thơ đã công nhận 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch thành phố đề ra và thành phố cũng là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong tổng số 36 xã được công nhận xã nông thôn mới có 8 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, vượt 3 xã so với kế hoạch. Đây là kết quả nổi bật nhất trong tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố đạt được trong năm 2020. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố, nhất là khu vực nông thôn được nâng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới.
Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Cần Thơ đạt 94,45 triệu đồng/người, tăng 6,97% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn 0,29%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%. Đặc biệt, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt rất cao, toàn thành phố là 94,4%, trong đó khu vực nông thôn là 85%.