Chung sức, đồng lòng
Về Đông Văn những ngày đầu năm mới 2021, ai ai cũng có thể cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ ở một vùng quê thuần nông. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được bê tông phẳng, hành lang an toàn giao thông trên các trục đường liên thôn luôn được đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Các khu dân cư đều có hệ thống tiêu thoát nước thải xung quanh. Nhà cửa được sắp xếp hợp lý, vườn hộ được chỉnh trang. Dọc hai bên đường làng, ngõ xóm là các nông hộ với vườn cây, ao cá, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Đánh giá về sự đổi thay của làng quê khi thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Văn Châu, xã Đông Văn khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào khi Đông Văn được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá. Bây giờ cuộc sống của người dân xã Đông Văn ngày càng khá giả, ai cũng quan tâm giữ gìn vệ sinh chung, trồng cây cảnh làm đẹp từ nhà ra ngõ. Tết này con cháu chúng tôi ở xa quê đều hẹn sẽ về ăn Tết để được chứng kiến sự đổi thay rõ nét của quê hương”.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Trương ở thôn Văn Châu, xã Đông Văn là một trong những hộ gia đình tiêu biểu ở Đông Văn tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông thôn xóm. Anh Trương cho biết: “Trước đây, đường đi trong thôn Văn Châu rất hẹp, ô tô không thể đi lại được, trong thôn xóm có việc gì xe cộ vào khó. Được sự động viên của chính quyền, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 75 m đất chiều dài và 0,5 m chiều rộng để xã xây dựng đường giao thông, làm rãnh thoát nước và tường rào ô thoáng. Sau khi gia đình tôi cùng các gia đình xung quanh hiến đất làm đường, tôi thấy cảnh quan đường làng ngõ xóm đẹp hơn, giao thông và thuận tiện. Nhờ vậy, ai cũng vui mừng phấn khởi”.
Ngay sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, với tinh thần chủ động, tích cực các cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đông Văn đã tiếp tục tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đảng ủy xã Đông Văn đã ban hành nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo diện mạo mới cho xã theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Chủ trương này đã được người dân Đông Văn đồng tình ủng hộ.
Đông Văn đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã đã chuyển đổi được 67,4 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cá lúa sang sản xuất nông nghiệp khác, có giá trị kinh tế cao hơn như xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, mô hình nhà màng, nhà lưới, sản xuất rau quả an toàn; đưa các loại giống cây con mới vào sản xuất… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã có 31 doanh nghiệp mỗi năm doanh thu đạt trên 34 tỷ đồng cùng 274 cơ sở kinh doanh, dịch vụ mỗi năm doanh thu đạt gần 26 tỷ đồng. Các công ty và cơ sở kinh doanh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trong xã.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tại Đông Văn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao đã làm thay đổi diện mạo của toàn xã theo hướng khang trang, hiện đại hơn. Các công trình phúc lợi trên địa bàn xã đã được triển khai đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần hình thành nên làng quê đáng sống.
Hiện nay, kinh tế xã Đông Văn phát triển khá toàn diện, nếu năm 2012 (khi xã đạt chuẩn nông thôn mới) thu nhập bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2020 là 69,34 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở Đông Văn năm 2013 là 3,2% thì đến năm 2020 trên địa bàn xã Đông Văn không còn hộ nghèo.
Duy trì chất lượng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu
Xã Đông Văn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1990) và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000). Đây cũng là 1 trong những xã đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ khen tặng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa.
Bà Mai Thị Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Văn chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, chúng tôi luôn chú trọng công tác dân vận để nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu nên đều đồng thuận".
Giai đoạn 2012-2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Đông Văn là 6,7 tỷ đồng; trong đó ngân sách do người dân đóng góp là 524,5 tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng kinh phí. Nhân dân trong xã đã tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, tự nguyện di dời hơn 6.000 m2 đất ở và các công trình phụ trợ để đường giao thông nông thôn cũng như hệ thống lòng lề đường trong khu dân cư, xây dựng tường rào thoáng mát… Đến thời điểm này, Đông Văn không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, nêu gương trước nhân dân đã giúp công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đông Văn được triển khai sớm, đạt kết quả cao. Với tinh thần “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, sự hưởng ứng và đồng tình của cán bộ và nhân dân trong xã đã tạo sự đột phát trong các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đông Văn.
Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Đông Văn là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá. Xã đã tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới các địa phương khác trong tỉnh".
Hiện Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các địa phương kiên trì, thực hiện hoàn thành từng nhiệm vụ, tiêu chí theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", với mục tiệu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thực chất, bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Hiện tỉnh Thanh Hoá đang hỗ trợ 15 xã xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với kinh phí 980 triệu đồng/xã để các xã hoàn thành các nội dung, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, ưu tiên công tác chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn...
Cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, cũng như sự đồng lòng của nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa được hy vọng sẽ mang lại những mùa xuân ấm áp cho người dân nơi này.