Những mô hình nông thôn mới kiểu mẫu “làm sáng” lợi thế của từng vùng
Được đặt mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, trải qua 2 năm, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được phê duyệt quy hoạch vùng huyện và quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các hạng mục hạ tầng cấp huyện, cấp xã của huyện Nam Đàn được đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ, đặc biệt là các di tích gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực xã Kim Liên và các xã lân cận. Từ đây, các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch gắn với trải nghiệm mô hình sinh thái, trang trại hoa hay các làng nghề được hình thành.
Còn tại huyện Hải Hậu (Nam Định), trên cơ sở xây dựng NTM kiểu mẫu về “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”, huyện xây dựng 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện có trồng hoa, cây xanh, có hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led, dây diện ngầm. Đáng chú ý nhất là công tác cải tạo khu xử lý rác thải tập trung theo hướng thân thiện với môi trường, trồng hàng rào cây xanh xung quanh, lắp đặt thiết bị xử lý chất thải, khói đốt... đảm bảo các tiêu chí môi trường.
Trên mảnh đất Tây Nguyên, được lựa chọn triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu về “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo hướng thông minh”, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã có 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gần 90% diện tích đất sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được 35 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, 30% sản lượng nông sản trên địa bàn huyện được tiêu thụ thông qua hợp đồng.
Từ đây, Đơn Dương trở thành nơi tập trung của các mô hình trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh hàng đầu Việt Nam bao gồm: Công ty cổ phần sữa Đà Lạt, trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, trang trại hoa lan YSA Orchid Farm...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) và Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 2020 - 2025 sẽ là cơ sở để Trung ương tổng kết, đánh giá và đề xuất Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Còn tại Đồng Nai, đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường giao thông, đường trục chính nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn là những bước làm chắc chắn của huyện Xuân Lộc, khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu về “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Nhờ đó, Xuân Lộc đã xây dựng 15 mã vùng trồng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đảm bảo diện tích tối thiểu trên 50 ha đối với cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày (sầu riêng, chôm chôm, lúa, bắp, tiêu, rau…) và các vùng rau, hoa ở xã Lạc Xuân, Ka Đô, Quảng Lập, Thạnh Mỹ. 100% số xã có quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi.
Nếu xét trên các tiêu chí NTM kiểu mẫu, các địa phương nêu trên đều đã đạt được thành tích đáng ghi nhận so với đích đến năm 2025 của đề án. Cụ thể, huyện Nam Đàn đã đạt 29/42 chỉ tiêu (chiếm 69%), Xuân Lộc đạt 19/29 chỉ tiêu (chiếm 65,5%), Hải Hậu đạt 6/14 chỉ tiêu (chiếm 42,9%) và Đơn Dương đạt 10/29 tiêu chí (chiếm 34,5%).
Kết quả trên có được là dựa trên các mục tiêu được cấp huyện tự đề xuất gắn với điều kiện, đặc điểm nổi trội của từng địa phương.
Quan trọng hơn cả, với những nỗ lực của các cấp, việc xây dựng huyện NTM kiểu mẫu đã góp phần tiếp tục nâng cao thu nhập và giảm nghèo trên địa bàn 4 huyện.
Cần những hướng đi có thể nhân rộng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Việc thực hiện thí điểm các huyện ở các vùng nhằm định dạng từng vùng với những nét đặc trưng thế mạnh để tổ chức sản xuất theo hướng khai thác đúng lợi thế địa phương, nhằm phát triển sản xuất, kinh tế nông thôn, xây dựng thiết chế hạ tầng đồng bộ và đảm bảo môi trường, an sinh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các huyện đã tập trung khai thác lợi thế, thế mạnh của mình gắn với du lịch để chương trình lan tỏa đến các địa phương khác.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế, xã hội chung, mà 3 huyện Nam Đàn, Hải Hậu, Đơn Dương chưa hoàn thành được mục tiêu phấn đấu đến 2020 được phê duyệt.
Theo đánh giá, các Bộ Tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu do các địa phương đề xuất đã bao hàm được các định hướng về lĩnh vực kiểu mẫu, nhưng chủ yếu vẫn là nội dung nâng cao mức độ đạt chuẩn các tiêu chí đã sẵn có; chưa thực sự là các tiêu chí bao trùm, điển hình và nổi bật để hình thành nội dung tiêu biểu mang tính đột phá, kiểu mẫu. Ngoài ra, các mô hình còn mang tính đơn lẻ, chưa phổ biến, nhân rộng trên quy mô cấp huyện, chất lượng của các mô hình còn hạn chế, thiếu chiều sâu...
Trong thời gian tới, để cụ thể hóa việc tăng số xã đạt chuẩn NTM, Bộ NN&PTNT sẽ có hướng dẫn dựa trên những tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở này, các tỉnh, huyện lựa chọn gắn vào đặc thù điều kiện kinh tế, tự nhiên, xã hội của mình, để có một bước bứt phá hơn nữa, từ đó góp phần xây dựng vùng nông thôn văn minh, giàu bản sắc dân tộc, một nền nông nghiệp hiện đại với chuỗi giá trị, khai thác lợi thế từng vùng và đời sống nông dân khá, tiến tới giàu có, văn minh.
Đối với các tỉnh, thành phố có định hướng xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng Đề án cụ thể, tiêu chí rõ ràng gắn với những đặc điểm, lợi thế nổi trội của từng địa phương (theo từng lĩnh vực cụ thể: phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường, NTM gắn với đô thị hóa…), đặc biệt xây dựng NTM kiểu mẫu trước hết phải thực hiện nâng cao chất lượng NTM theo Bộ Tiêu chí nâng cao. Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chủ động về nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và đặc biệt là người dân trong quá trình thực hiện…