Đến nay, Đắk Nông mới chỉ giải ngân được hơn 15% tổng số vốn của năm 2022, riêng năm 2023 chưa thực hiện việc giải ngân. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong hai năm 2022 - 2023 là gần 1.900 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 758 tỷ đồng và năm 2023 là hơn 1.118 tỷ đồng.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số nghị quyết quan trọng liên quan tới việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình như Nghị quyết về tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương và phần đối ứng của địa phương; Nghị quyết về cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định về cơ chế quay vòng vốn hỗ trợ; quy định về phân cấp quản lý; thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với các dự án mục tiêu quốc gia…
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Nông, dự kiến từ nay đến hết năm 2023, tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn của ba chương trình. Phần đối ứng của địa phương trong hai năm 2022-2023 (hơn 400 tỷ đồng) đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung triển khai các dự án.
Hiện nay, Đắk Nông đang vướng mắc do vẫn còn thiếu một số hướng dẫn của Trung ương liên quan tới mức chi xây dựng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho cộng đồng; về cơ chế lồng ghép vốn của ba chương trình và các tiêu chí lựa chọn, công nhận các đối tượng cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh Đắk Nông hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là tại hai huyện nghèo Tuy Đức, Đắk G’Long và các vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Đắk Nông kỳ vọng sẽ kéo giảm nhanh và bền vững số hộ nghèo (mục tiêu 3%/năm) và tạo ra nhiều sinh kế giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…