Đẩy mạnh phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững 

Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã và đang chú trọng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sớm đưa huyện nhà trở thành huyện nông thôn mới.

Huyện tập trung khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm phù hợp với di tích và văn hóa bản địa; giữ gìn các nét đẹp văn hóa của ngôi nhà Tày truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch...

Chú thích ảnh
Du khách đến với Đền Bảo Hà.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Bảo Yên đã tổ chức khôi phục 7 lễ hội truyền thống, gồm: Lễ hội đền Nghĩa Đô (xã Nghĩa Đô), Lễ hội đền Long Khánh (xã Phúc Khánh), Lễ hội đền Làng Lúc (xã Bảo Hà), Lễ hội đền Hai Cô (xã Kim Sơn), Lễ hội đền Làng Pịt (xã Lương Sơn), Lễ hội Cốm xã Việt Tiến gắn với đình làng Già Hạ, Lễ hội Cốm xã Nghĩa Đô gắn với đền Nghĩa Đô.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 9 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm, gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thời vụ nông nghiệp. Nổi bật là các lễ hội: Lễ hội đền Bảo Hà, lễ hội đền Nghĩa Đô, lễ hội đền Long Khánh, được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là sự kiện văn hóa thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, thương mại... góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân, quảng bá hình ảnh và phát huy tiềm năng du lịch tâm linh ở huyện Bảo Yên nói riêng. 

Các lễ hội được tổ chức với phần lễ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và đặc trưng của di tích; phần hội ngày càng được mở rộng về quy mô, đổi mới về hình thức tổ chức, với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian… tạo sản phẩm du lịch đặc trưng tại mỗi di tích, qua đó thu hút đông du khách trải nghiệm.

Qua các sự kiện, hoạt động, đã góp phần quảng bá, giới thiệu đến du khách về truyền thống lịch sử, văn hóa; kết nối du lịch tâm linh với du lịch cộng đồng ở mỗi địa phương có điểm di tích.

Đơn cử như Lễ hội đền Bảo Hà thường được gắn với hoạt động diễn xướng hát văn, hầu đồng, thi làm ngựa mã, mâm lễ dâng ông Hoàng Bẩy…; Lễ hội đền Nghĩa Đô gắn với các hoạt động như hát then, thi gánh nước truyền thống, đi cà kheo, thi bắn nỏ, bắn vịt mô hình, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, thi đan lát…; Lễ hội đền Pịt gắn với thi làm bánh giày, thi bóc và bào vỏ quế…; Lễ hội đền Làng Lúc gắn với môn kéo co, đẩy gậy, ném còn…

Đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử, thu hút du khách đến với Bảo Yên, huyện đã xây dựng kế hoạch tổng thể tổ chức các lễ hội gắn với các di tích; chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng kịch bản tổ chức khôi phục các lễ hội truyền thống đảm bảo đúng truyền thống văn hóa địa phương.

Chú thích ảnh
Bản làng của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô.

Cùng với bảo tồn các lễ hội, huyện Bảo Yên cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương gìn giữ, bảo tồn giá trị nguyên vẹn những ngôi nhà cổ của người Tày ở Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến.

Mới đây, tỉnh Lào Cai đã có quyết định, cho phép UBND xã Nghĩa Đô được sử dụng địa danh xã “Nghĩa Đô”, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Làng Du lịch cộng đồng Nghĩa Đô” cho dịch vụ du lịch. Các dịch vụ bao gồm: Dịch vụ mua sắm (giới thiệu và trưng bày sản phẩm; marketing sản phẩm đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thời trang, đồ trang sức, thực phẩm chế phẩm từ lương thực, thực phẩm...); dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch (hướng dẫn khách du lịch; vận chuyển khách du lịch; cho thuê xe); dịch vụ vui chơi, giải trí (trải nghiệm các trò chơi dân gian, trải nghiệm tắm thác, biểu diễn văn nghệ, văn hóa truyền thống...); dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ du lịch; khách sạn bên đường; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê); dịch vụ ăn uống; dịch vụ cho thuê quần áo. Đây là điều kiện để Nghĩa Đô phát triển du lịch bền vững.

Hiện nay, xã Nghĩa Đô đã có 28 hộ đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ homestay, trong đó có 19 hộ đã đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 9 hộ đang hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Từ đó, tạo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân, góp phần vào động lực bảo tồn văn hóa truyền thống, cải tạo cảnh quan và sáng tạo, đầu tư vào phát triển du lịch. 

Bên cạnh đó, xã Tân Tiến cũng đã và đang phát huy tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm. Tân Tiến là địa điểm thuận lợi nối liền giữa Bản Liền (Bắc Hà) và điểm du lịch xã Nghĩa Đô, Bảo Yên. Ở Tân Tiến có thác Xa,  rừng quế, có khí hậu trong lành, cảnh vật nguyên sơ. Đặc biệt, bản Cán Chải là địa điểm phù hợp để săn mây vào các tháng 10, tháng 11 hằng năm. Đây là bản của người Mông với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cán Chải cũng là nơi có ruộng bậc thang đẹp, nhiệt độ mùa hè dao động từ 25 - 28 độ C. Bên cạnh đó còn có đồng bào dân tộc Dao, Tày sinh sống. Bà con người Dao vẫn gìn giữ được các nét đẹp truyền thống như: lễ cấp sắc, nghề bện đệm rơm, đan gùi. Trên địa bàn đang xây dựng điểm kinh doanh tại ngã 3 nơi giáp với đường đi Bản Liền (Bắc Hà) và đường đi xã Nà Chì, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Hiện xã đã có 2 hộ kinh doanh dịch vụ homestay…  

Có thể nói, việc bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống, đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách thập phương về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên; kích cầu du lịch, tạo tiền đề liên kết với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, tạo thương hiệu cho du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng của huyện Bảo Yên, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ những giải pháp đó, du khách đến với Bảo Yên ngày càng tăng, năm 2022, lượng khách du lịch đến Bảo Yên ước đạt 1,2 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước khoảng 770 tỷ đồng; năm 2024, ước đón 1,4 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 840 tỷ đồng, từ đó đóng góp phần lớn cho phát triển kinh tế của huyện nhà.

Trong giai đoạn 2025 – 2030, huyện Bảo Yên phấn đấu hoàn thiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng các xã phía Đông gồm ba xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến. Dự kiện đặt mục tiêu phấn đấu cụm xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến đón 50.000 lượt khách, trong đó có 15.000 lượt khách ngoài tỉnh và 5.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt 400 tỷ đồng. Số hộ kinh doanh dịch vụ homestay hiệu quả đạt 30 hộ.

Có một làng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất”. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các hoạt động phụ trợ cho du lịch cộng đồng đạt 500 người; 100% cộng đồng dân cư các xã tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Nghiên cứu, phát triển 10 - 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp, phục vụ khách du lịch. Kết nối tour tuyến với 5 công ty du lịch lữ hành trong nước và quốc tế trở lên. Thu hút được ba doanh nghiệp trở lên đầu tư cho lĩnh vực du lịch tại cụm xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến…

PV
Lào Cai: Tạo việc làm cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững
Lào Cai: Tạo việc làm cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN