Như vậy, sau 1 tháng khi Chính phủ quyết định "nới lỏng" điều kiện, gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đã chính thức được giải ngân tại Đồng Tháp.
Công ty TNHH May An Long đặt tại huyện Tam Nông là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp cận được gói chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020.
Bà Võ Thị Minh Kha, Phó Giám đốc Công ty TNHH May An Long cho biết, công ty được thành lập từ năm 2011 hoạt động trong lĩnh vực may mặc và hiện có 3 phân xưởng sản xuất với khoảng 1.500 nhân công lao động. Trước năm 2019, bình quân hàng tháng công ty xuất khẩu 2 triệu sản phẩm may mặc đạt kim ngạch khoảng 70% đối với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã tác động tiêu cực tới tất cả các ngành nghề; trong đó, có ngành may mặc. Riêng tại công ty, lượng lưu kho sản phẩm của khách hàng ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Cao điểm khó khăn và "đuối" của công ty tập trung vào các tháng 4, 5 và 6/2020. Để tiếp tục duy trì hoạt động, công ty đã linh động trong việc bố trí giảm lượng công nhân theo ca kíp để giữ chân người lao động; tuy nhiên, khoảng hơn 180 công nhân phải thực hiện nghỉ chờ nhưng vẫn được hỗ trợ với mức lương tối thiểu và hiện tại công ty đã chi trả khoảng 50%.
Bà Võ Thị Minh Kha nói thêm, bắt đầu từ tháng 4/2020, doanh nghiệp đã tìm hiểu thông tin về các gói hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh nhiều ngành bị tác động nặng nề của dịch COVID-19, tuy nhiên rất khó đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục để được vay ưu đãi. Hiện tại, với thủ tục đơn giản, doanh nghiệp tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay đã giúp doanh nghiệp được giải ngân vốn vay ưu đãi 0% lãi suất. Đây sẽ là động lực để duy trì hoạt động kinh doanh, giữ nguồn nhân sự chất lượng để dần khôi phục lại sản xuất trong thời gian tới.
Ông Lại Văn Bé Chín, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 154 và Quyết định 32, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu cho UBND tỉnh và cùng các ban, ngành, địa phương triển khai chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động một cách nhanh nhất; đồng thời niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã. Ngoài ra, cũng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê danh sách các doanh nghiệp, đơn vị có lao động ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, qua đó tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện để thực hiện việc cho vay. Đến nay, đơn vị đã tiếp cận 130 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn thuộc đối tượng thụ hưởng; trong đó, có 1 khách hàng đủ điều kiện và có nhu cầu vay với số tiền 839 triệu đồng.
Theo ông Lại Văn Bé Chín, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTG ra đời, đã sửa đổi một số điều và điều chỉnh điều 15 về hồ sơ, trình tự, thủ tục vay, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân theo hướng đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng cho doanh nghiệp. Khách hàng được phê duyệt cho vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện: có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; có doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Mức lãi suất cho vay là 0%; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm.
Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021. Do đó trong khoảng thời gian còn lại, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân về chính sách này. Đồng thời, đối với các cán bộ nghiệp vụ thuộc đơn vị, chi nhánh sẽ tiếp tục tăng cường tìm kiếm các khách hàng đúng đối tượng và đủ điều kiện để thực hiện cho vay, với phương châm không để khách hàng đúng đối tượng, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn mà không được giải quyết cho vay; bằng các giải pháp phải đưa được chính sách của Đảng và Nhà nước đến được các khách hàng cần và có đủ điều kiện vay vốn.