Các doanh nghiệp kỳ vọng được tiếp tục giảm chi phí sản xuất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), giảm tiền thuê đất…
Dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, tác động đến kinh tế Việt Nam đang và sẽ trầm trọng hơn, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt hơn. Đây là thông điệp đưa ra tại Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” do NEU phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức ngày 15/10.
Tại Hội thảo, PGS TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng NEU chia sẻ: Giới doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc Chính phủ nhanh chóng đưa ra gói giải pháp lần thứ nhất đúng và trúng. Nhưng, hiệu quả lại không cao trên thực tế. “80% doanh nghiệp được hỏi cho biết, đã không tiếp cận được gói hỗ trợ do không đủ điều kiện và do không có thông tin về chính sách”, PGS TS Bùi Đức Thọ nói.
Do vậy, Nhóm nghiên cứu đề xuất một số hướng đi cho gói hỗ trợ kinh tế “hậu” COVID-19 lần hai. Cụ thể: Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi; gói hỗ trợ tài khóa khóa tiếp tục miễn, giảm thuế phí, giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm các chi phí hạ tầng,
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và theo giai đoạn; ưu tiên hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.
Với gói hỗ trợ lần hai, Chính phủ cần phân loại, đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch. Theo nhóm nghiên cứu, Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững; đồng thời chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng.
“Gói hỗ lần hai phải đủ lớn. Rất may, chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách; hai là diện phải rộng như gói 1 là có tính đến người lao động, có doanh nghiệp và có xã hội; ba là phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa. Ví dụ, có hỗ trợ ngành hàng không như các nước không?; bốn là thời gian, ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021; năm là gói này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó như gói 1, gói 2 là hỗ trợ để vượt khó, để phục hồi và tái cấu trúc”, TS Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh kiến nghị.
Đề cập về gói hỗ trợ lần hai, TS Nguyễn Đình Cung từng nhấn mạnh: Bên cạnh đánh giá lại việc thực hiện cũng như đề xuất kéo dài gói hỗ trợ thứ nhất, cần phải đánh giá lại kinh tế 2020, là năm nguồn thu ít, chi nhiều, bội chi lớn và sẽ vượt chỉ tiêu... sau đó mới tính đến chuyện nếu hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ miễn, giảm...
Tại Hội thảo, PGS TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng NEU đã thay mặt Nhóm nghiên cứu của Trường công bố kết quả khảo sát “Đánh giá tác động của COVID-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với COVID-19 đối với các doanh nghiệp”.
Khảo sát được thực hiện trong thời gian từ giữa tháng 9/2020 đến đầu tháng 10/2020, trên 450 doanh nghiệp thuộc 6 ngành nghề khác nhau về tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành được khảo sát gồm: Du lịch, lưu trú, ăn uống, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic, dệt may, công nghệ thông tin.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Trong đó, 30% phải cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, ăn uống. Đến đầu tháng 10/2020, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ COVID-19 lần thứ nhất của Chính phủ. Lý do chủ yếu là doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách.
Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng rất dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh. Doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói “gia hạn nộp thuế”, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp. Có nhiều lý do dẫn đến việc các doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách, quy trình, thủ tục phức tạp, thông tin không minh bạch.
Về thực trạng nhận các gói hỗ trợ, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin là ngành ít nhận được hỗ trợ nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.
Trong các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp, đáng chú ý có hai gói hỗ trợ không có doanh nghiệp nào tiếp cận được, là "vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động" và "đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất, nhập khẩu".