Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết: Là một tỉnh công nghiệp phát triển, nằm trong tứ giác kinh tế Đông Nam bộ, nơi nắm giữ tới 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước và tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhất Việt Nam, Đồng Nai ưu tiên và dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Đồng thời, Đồng Nai đã tích cực thực hiện và hưởng ứng chủ trương “phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, vạch ra trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, thực hiện Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2012, về việc phê duyết kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam; được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức trong ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3592/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 Phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 3445/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020. Sau khi cơ bản hoàn thành dự án đã đạt được 4 mục tiêu cụ thể của Dự án đó là:
Theo đó, mục tiêu thứ nhất là bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, dự án đã đạt được bảo tồn và phát triển đàn voi hoang dã tỉnh Đồng Nai, cụ thể là voi được bảo vệ nguyên vẹn và đang có xu hướng tăng lên về số lượng, theo quan sát được trong 2 năm đã có 4 voi con chào đời, đang sinh trưởng và phát triển tốt, giai đoạn 1 là thành công;
Mục tiêu thứ 2 là khôi phục bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi. Dự án đã thành công trong mục tiêu này, sau 2 năm thực hiện dự án voi đã được bảo vệ, hàng rào điện đã hạn chế được các đối tượng vào rừng trái phép, rừng đang phát triển, tính đa dạng sinh học được phong phú hơn;
Mục tiêu thứ 3 là ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người. Ở những nơi có hàng rào điện voi không thể vượt qua, tính mạng của người dân không còn bị đe dọa, tài sản của người dân được bảo vệ, họ yên tâm sản xuất; sau khi được tuyên truyền vận động, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loài cây Voi không ưa thích, đã hạn chế được xung đột; tuy nhiên voi là loài động vật thông minh đang suy nghĩ và tìm đến những khu vực có thức ăn ngon, nước, muối khoáng, do đó những nơi chưa có hàng rào đã xẩy ra xung đột và sẽ xẩy ra xung đột;
Mục tiêu thứ 4 là tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu này đã phát huy tác dụng tốt, việc thực thi pháp luật được tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, nạn săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được kiểm soát.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, ngoài ra, về xã hội dự án đầu tiên ở Việt Nam về bảo tồn loài Voi – một loài động vật mang ý nghĩa quan trọng về văn hóa, tâm linh và đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam; đã nhận được sự đồng tình của nhân dân và các tổ chức trong và ngoài nước; 75 km hàng rào điện đã phát huy tác dụng, ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa Voi và Người, người dân nơi có hàng rào điện đã được bảo vệ tính mạng và tài sản, yên tâm sinh sống và sản xuất; thực thi pháp luật ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi săn bắt, giết hại Voi và động vật hoang dã.
Về kinh tế, hàng rào điện đã bảo vệ được khoảng 19.000 ha cây nông nghiệp và cây công nghiệp dài ngày, chỉ tính riêng cây xoài mang lại hàng chục tỷ đồng cho người dân, chưa kể các loài cây nông nghiệp khác như Lúa, Chuối, Mía .
Trong nhiều năm, tỉnh Đồng Nai vẫn băn khoăn lo lắng khi các báo cáo cho thấy khả năng đồng huyết của quần thể voi ở Đồng Nai, theo kết quả điều tra ban đầu chỉ còn 14 cá thể voi; quần thể voi khó phục hồi tự nhiên; số lượng các vụ xung đột voi – người nhiều; tỉnh cũng nhận thức được nhu cầu cần thiết về cách tiếp cận bảo tồn voi hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tế với những bằng chứng khoa học cụ thể. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã rất hoan nghênh Chương trình thử nghiệm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa, do tổ chức HSI tài trợ và các chuyên gia quốc tế tham gia thực hiện.
Tại hội thảo này, chương trình thí điểm sẽ đưa ra kết quả chính xác về số lượng cá thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Con số này sẽ khác xa với con số 15 cá thể được biết đến trước đây, củng cố thêm niềm tin cho công tác bảo tồn loài thú đặc biệt này. Số lượng cá thể này sẽ có hồ sơ định dạng kèm theo một cách khoa học với dữ liệu chính xác thu được từ hàng chục nghìn ảnh thu được từ các bẫy ảnh.
Ngoài ra, các cuộc khảo sát thực địa đã xác định được vùng sống/vùng hoạt động của các đàn voi. Dữ liệu về xung đột voi – người đã được thu thập theo mẫu chuẩn, đưa lên phần mềm để số hóa, phân tích và cung cấp những hiểu biết cần thiết về xung đột trên địa bàn tỉnh.
Những dữ liệu khoa học hứa hẹn sẽ giúp tỉnh có cách tiếp cận bảo tồn voi khoa học, xây dựng các chính sách/biện pháp bảo tồn và giảm thiểu xung đột voi - người một cách khoa học và thực tế. Đồng Nai rất mừng với thành công bước đầu của chương trình thử nghiệm và có thêm hy vọng về sự phục hồi của quần thể voi trong tỉnh.
Là nơi thử nghiệm cho một cách tiếp cận bảo tồn chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, hội nghị sẽ có những đánh giá chính xác về những kết quả đã đạt được, thảo luận những thách thức và bài học rút ra từ quá trình triển khai thực hiện. Hy vọng những bài học kinh nghiệm từ địa phương tỉnh Đồng Nai có thể giúp ích cho công tác bảo tồn voi ở các tỉnh/địa phương khác của Việt Nam.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Humane Society International ( HSI) cho biết, dự án thí điểm tại Đồng Nai của HSI tại Việt Nam và các đối tác Chính phủ mang đến hy vọng cho công tác bảo tồn voi hoang dã của Việt Nam.Từ đó sẽ hiểu rõ nhu cầu, tập tính và hành vi của Voi qua các chương trình giám sát góp phần chuyển hướng xung đột Voi- Người sang chung sống hài hòa” . Cũng thông qua hội thảo này đánh giá chương trình thí điểm Bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hoà.
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm mạnh từ khoảng 2.000 cá thể (trước năm 1990) xuống còn khoảng 100-130 con trong vòng 3 thập niên gần đây. Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước và có nguồn lực về con người và kỹ thuật để ứng dụng khoa học công nghệ mới. Trong hai năm qua, HSI đã thực hiện chương trình Giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng một cơ sở dữ liệu chi tiết và quy mô chưa từng có. Mỗi con voi đều có thẻ định dạng riêng gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể; điểm thể trạng và thông tin về cấu trúc đàn. Những con voi đực trưởng thành như Ngà Lệch, Cát Tiên và Đất Đỏ đã được giám sát và định dạng thông qua các hình ảnh thu được tại nhiều điểm đặt bẫy ảnh thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và công ty Lâm nghiệp La Ngà thuộc ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán.
Thông qua kết quả nghiên cứu của dự án, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận và xác định được số lượng cá thể Voi tại Đồng Nai trên thực tế cao gấp đôi số liệu đã được ghi nhận trước đây, nghĩa là 25-27 cá thể thay vì 14 cá thể. Các cơ quan quản lý và HSI hy vọng kết quả khả quan tại Đồng Nai là tín hiệu tốt để có thể nhân rộng sáng kiến này, áp dụng mở rộng ở tất cả các tỉnh có voi phân bố tại Việt Nam, đặc biệt là ở Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam nơi những quần thể voi rất quan trọng của Việt Nam đang sinh sống, nhằm xác định chính xác hơn số lượng cá thể voi trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết: "Không giống như những can thiệp khác, dự án đặc biệt với HSI này cung cấp cho chúng tôi các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Từ quan điểm quản lý nhà nước, tôi đánh giá cao sự tham gia của nhiều bên liên quan mà dự án đã thu hút được bao gồm cộng đồng địa phương, các nhà nghiên cứu và chuyên gia bảo vệ động vật nhờ vậy mà tiếng nói của cả con người và động vật hoang dã được xem xét cẩn thận trong các khuyến nghị có tác động đến voi. ".
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HSI, cho biết: "Quần thể voi của Việt Nam hiện nay quá nhỏ đến nỗi nếu chúng ta không hành động gấp rút để bảo vệ chúng, quần thể voi này sẽ phải đối mặt với khả năng tuyệt chủng thực sự. Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên công tác bảo tồn voi thông qua một chương trình bảo tồn voi quốc gia rất đáng hoan nghênh mà HSI đang hỗ trợ xây dựng, trong đó dự án Đồng Nai này là một hợp phần quan trọng. Khi voi và con người đều muốn có không gian trong cùng một môi trường sống hữu hạn, các tình huống xung đột có thể phát sinh và thậm chí trở nên trầm trọng hơn khi con người áp dụng các chiến thuật răn đe hăm dọa hoặc bạo lực. Những chiến lược này đang coi voi là thủ phạm hơn là một bên tham gia cần được thấu hiểu. Với dữ liệu nghiên cứu mới của HSI, ta có thể tiếp cận các tình huống xung đột dựa trên hiểu biết về các đặc điểm, hành vi, phạm vi và thói quen của những con voi cụ thể có liên quan, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp và khả thi có thể thúc đẩy hiệu quả hơn mối quan hệ chung sống hài hòa giữa con người và voi.
Trước đó, sáng cùng ngày 30/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai và tổ chức Humane Society International (HSI) - tổ chức về bảo vệ động vật đã khai mạc triển lãm ảnh "Tử tế với loài voi và thiên nhiên tươi đẹp".
Dự kiến trong ngày 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai và tổ chức Humane Society International (HSI) - tổ chức về bảo vệ động vật sẽ di chuyển đến vùng dự án nhằm thực địa hiện trường triển khai các sáng kiến bảo tồn voi, tổ chức thi vẽ, thuyết trình tranh chủ đề “Voi với người là bạn, cùng chung sống hài hòa”, thi nhảy vì sự tử tế với loài voi và cùng nhau chung sống an toàn với voi hoang dã, giao lưu với cộng đồng địa phương./.