Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp.
Các đơn vị nắm bắt và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk yêu cầu triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, nhất là các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, phòng cháy chữa cháy,..
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ Chương trình phục hồi kinh tế.
Đồng thời, xử lý lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải chấp hành nhiều hơn 1 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm; tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho biết, đến 30/9/2023, tỉnh có 12.496 doanh nghiệp đang hoạt động (gồm 11.528 doanh nghiệp và 9 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh).
Tỉnh có 612 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Trong 9 tháng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 1.200 tỷ đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 15 dự án.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk Đinh Xuân Hà, mặc dù Chính phủ và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong 9 tháng, có 792 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang gặp phải làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh hiện nay là: giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; khó khăn về tài chính; tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường quốc tế bị thu hẹp...
Bên cạnh yếu tố khách quan, những vấn đề hạn chế nội tại của doanh nghiệp như: quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp; dây chuyền, kỹ thuật sản xuất lạc hậu; trình độ quản lý yếu kém; liên kết sản xuất thiếu bền vững... là những nguyên nhân chính cản trở sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Tại hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nêu nhiều kiến nghị, nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, miễn giảm thuế, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề đất đai; đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp; liên kết trong sản xuất nông nghiệp, quản lý mã số vùng trồng...
Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã về cơ bản đã được lãnh đạo Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk, các đơn vị có liên quan khác trả lời thỏa đáng và cam kết sẽ từng bước tháo gỡ để đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển.