Bên cạnh các sản phẩm tiềm năng 5 sao, có một sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao là yến sào Kon Tum của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum; 14 sản phẩm của các đơn vị khác như trà gừng của Hợp tác xã Nông nghiệp – dịch vụ Minh Quân, trà sâm lạc tiên DATO của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum… đạt tiềm năng 3 sao.
Tại hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Kon Tum cho rằng, đa số các sản phẩm tham dự đều có mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng tốt, đảm bảo. Tuy nhiên, một số sản phẩm chưa tạo được thị trường đầu ra ổn định; chưa tham gia nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; chưa xây dựng được câu chuyện riêng cho từng sản phẩm đặc thù. Qua đó, các chủ thể, đơn vị sản xuất cần tiếp tục hoàn thiện thương hiệu, tên riêng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Sau khi kết thúc hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh sẽ gửi kết quả đến UBND tỉnh và đề xuất về phân hạng sản phẩm, đồng thời đề xuất các sản phẩm có thể tham gia đánh giá cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ thông báo kết quả cho các chủ thể OCOP và ban hành quyết định công nhận kết quả đánh giá, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 và 4 sao; đồng thời, chuyển hồ sơ của các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị cấp Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Kon Tum có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên; trong đó có một sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao – sản phẩm OCOP cấp quốc gia là cà phê rang xay DAKMARK, huyện Đăk Hà.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia; riêng năm 2021 sẽ có 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3 sao trở lên.