Ứng dụng khoa học phát triển sản phẩm OCOP dược liệu

Xác định trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ cây dược liệu là lĩnh vực mũi nhọn, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đang tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chế biến sản phẩm từ các cây dược liệu để xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi mới trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở địa phương này.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Cam Lộ (bên trái) kiểm tra, theo dõi sự phát triển của cây dược liệu an xoa trồng ở xã Cam Thành. 

Trước mắt, huyện xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu có quy mô 200 ha để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề và doanh nghiệp chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Về lâu dài, địa phương quy hoạch khoảng 1.000 ha để trồng cây dược liệu và một số cây khác.

Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu cũng đã được chế biến sâu, qua đó tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã chiết xuất thành công hoạt tính và sản xuất thương mại nhiều loại sản phẩm từ cây dược liệu như: chè vằng hòa tan “Tralavang”, cà gai leo - linh chi hòa tan Cagali, Đông trùng hạ thảo Sa Mù. 
 
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị Nguyễn Hữu Thắng, đơn vị vừa tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả, vừa hoàn thiện quy trình sản xuất làm chủ công nghệ chế biến sâu từ cây dược liệu, để chuyển giao cho người dân và doanh nghiệp sản xuất hiệu quả.

Dược liệu là một trong số bốn cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh đang tập trung hỗ trợ huyện Cam Lộ và một số địa phương khác ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu; ban hành chính sách hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu; tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý. Qua đó, chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao; quy hoạch vùng sản xuất, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý.
 
Huyện Cam Lộ là địa phương dẫn đầu tỉnh khi có nhiều sản phẩm nhất được công nhận và xếp hạng trong chương trình OCOP. Đáng chú ý, tất cả sản phẩm OCOP ở huyện Cam Lộ đã được xếp hạng “sao” đều chế biến từ các cây dược liệu. Trong số đó, các sản phẩm đạt 4 sao gồm: cao cà gai leo An Xuân, cao chè vằng Mai Thị Thủy và cao cà gai leo Lê Hồng Nhạn. Các sản phẩm đạt “3 sao” gồm: tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé Trường Sơn, dầu ăn cho bé Super Green, tinh bột nghệ vàng nguyên chất nghệ Cùa, cao cà gai leo Mai Thị Thủy.

Tháng 4/2021 vừa qua, sản phẩm cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ với lô hàng gần 1.000 kg trị giá 1,7 tỷ đồng. Tháng 8/2021 sản phẩm này tiếp tục được doanh nghiệp bên Mỹ đặt hàng. 
 
Để có vùng nguyên liệu từ cây an xoa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ về chất lượng và số lượng, UBND huyện Cam Lộ đã liên kết với Công ty cổ phần Agridy Namics Việt Nam trồng loại cây này ở các xã: Cam Thành, Cam Nghĩa và Cam Hiếu. Các vườn cây an xoa đều được trồng theo hướng sản xuất hữu cơ và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động. 

Chú thích ảnh
Vườn cây dược liệu an xoa trồng ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng 3,5 ha cây dược liệu an xoa để chế biến xuất khẩu sang Mỹ rất thành công khi cây này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. An xoa trồng trong khoảng 7 - 8 tháng đã cho thu hoạch, với giá bán tại vườn là 10.000 đồng/kg tươi, ước tính cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Huyện đang triển khai nhân rộng vùng nguyên liệu an xoa tập trung lên tới 50 ha cung cấp nấu cao xuất khẩu; đồng thời lên kế hoạch xây dựng thương hiệu và tham gia xếp hạng theo OCOP với sản phẩm này. 
 
Huyện Cam Lộ cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết trồng, chế biến cây dược liệu ngay tại địa phương. Công ty TNHH cao dược liệu Mai Thị Thủy xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà gai leo và chè vằng ở huyện Cam Lộ. Thực hiện mô hình, công ty này đã liên kết với các hộ trồng cà gai leo, chè vằng ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm tự nhiên. Do đó, công ty đã sản xuất được sản phẩm chất lượng như: cao chè vằng đạt 4 sao, cao cà gai leo đạt 3 sao của OCOP.

Làng nghề truyền thống cao dược liệu Định Sơn ở xã Cam Nghĩa có hơn 70 hộ tham gia sản xuất cao từ cây dược liệu trồng tại địa phương như: chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô. Trung bình mỗi năm, làng nghề này sản xuất khoảng 135 tấn sản phẩm cao các loại từ cây dược liệu. Để sản xuất được số cao này, làng nghề Định Sơn liên kết với các hộ dân thu mua khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi dược liệu. 

Ông Võ Văn Linh ở xã Cam Thành đã chuyển đối 1 ha trồng sắn sang trồng chè vằng. Ông cho biết, cây dược liệu chè vằng rất phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, ít sâu bệnh và công chăm sóc. Mỗi năm, chè vằng cho thu hoạch từ 2 - 3 lần, năng suất đạt khoảng 90 tấn/ha với doanh thu 135 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng sắn mà các cơ sở chế biến đến tận vườn thu mua. 
 
Huyện Cam Lộ hiện có trên 150 ha cây dược liệu; trong đó, có 65 ha chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha an xoa, 60 ha nghệ và gần 10 ha các cây dược liệu khác như: ba kích tím, hương bài, hà thủ ô đỏ, đinh lăng. Giá trị cây dược liệu mang lại cao gấp 2 - 3 lần trên cùng diện tích so với trồng rừng hoặc sắn. Cụ thể, mỗi năm, cà gai leo cho năng suất khô đạt 20 - 24 tấn/ha, đạt mức lãi 100 - 130 triệu đồng/ha; sâm bố chính năng suất 40 tấn/ha, đạt mức lãi 140 triệu đồng/ha...

Bài và ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Dành 5.200 tỷ đồng cho Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu
Dành 5.200 tỷ đồng cho Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu

UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN