Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 14/2, huyện Bảo Thắng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thực tế một số khu vực trồng quế tại thôn Phú Hải 1, 2; Phú Hợp 1 và 2 thuộc xã Phú Nhuận; Tổ 7, 8 thuộc thị trấn Tằng Loỏng; thôn Cù Hà, Hùng Xuân 1 thuộc xã Xuân Giao.
Đây là những khu vực theo phản ánh của của người dân có cây quế bị khô lá bất thường gần với khu công nghiệp Tằng Loỏng, được coi là khu công nghiệp sản xuất hóa chất, phân bón lớn nhất Việt Nam với các nhà máy như DAP số 2, Hóa chất Đức Giang, các nhà máy sản xuất phốt pho…
Qua kiểm tra thực tế, diện tích quế có tuổi trung bình từ 3-10 năm, mật độ trồng dày, sinh trưởng và phát triển trung bình, cành lá nhiều. Những diện tích được kiểm tra phát hiện trên lá quế có hiện tượng khô mép và giữa lá giống triệu chứng nấm gây hại. Đối chiếu với các tài liệu nghiên cứu bệnh hại trên cây lâm nghiệp nói chung và cây quế nói riêng đã công bố thì triệu chứng hại này mới và lạ, chưa có nghiên cứu cụ thể.
Thống kê cho thấy, hiện tượng khô lá nói trên ở cây quế diễn ra trên diện rộng, lên tới gần 1.300ha, trong đó xã Phú Nhuận 1.000ha, Tằng Loỏng 157ha, Xuân Giao 137,6ha.
Trước mắt, đoàn kiểm tra đề nghị người dân áp dụng các biện pháp khắc phục, như: vệ sinh vườn, thu dọn cành, lá bệnh mang ra khỏi rừng (có thể tận dụng đem bán) để hạn chế lây lan, kết hợp phun thử nghiệm thuốc diện hẹp bằng một số loại thuốc như: Anvil 5SC hoặc Tiltsuper 300EC.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các xã Phú Nhuận, Xuân Giao, thị trấn Tằng Loỏng tiếp tục chỉ đạo cán bộ nông, lâm nghiệp kiểm tra, theo dõi để nắm bắt diễn biến của hiện tượng khô lá nói trên.
Trong những năm qua, những khu vực gần khu công nghiệp Tằng Loỏng thực tế đã xảy ra hiện tượng cháy, táp lá rau và hoa màu của người dân. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã nhanh chóng xác định được đối tượng và tìm ra nguyên nhân sự việc, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân. Cũng theo đoàn kiểm tra thông tin, hiện toàn bộ mẫu thu được trong quá trình kiểm tra đã được gửi đến đơn vị chuyên ngành về cây rừng để phân tích, giám định trong 15-20 ngày sẽ cho kết quả. Khi đó, đoàn kiểm tra sẽ thông tin đến huyện, xã để có căn cứ xử lý.
Còn theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng, khi chưa có kết luận, căn cứ xác đáng, chưa thể xác định được đây có phải là sự cố môi trường hay không. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, việc cây cối khô, cháy táp lá không phải lần đầu tiên xảy ra và cũng không phải là nguyên nhân sâu bệnh.
Bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Phú Hợp 2, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có 5ha quế chuẩn bị đến kỳ thu hoạch cho biết, gần chục năm gắn bó với cây quế nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy xuất hiện tình trạng này. Lá cháy đen, khi nắng lên là rụng hết. Cùng thời điểm này, có nhiều diện tích quế của những khu vực lân cận bị hiện tượng nêu trên. Ngoài lo lắng thiệt hại về cây trồng, người dân cũng lo ngại vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường sinh sống nhất là đối với người già và trẻ em.
Lo ngại của người dân là có cơ sở, bởi chưa đầy một năm trước, ngày 24/5/2022, trong quá trình sản xuất của Nhà máy DAP số 2 đã xảy ra sự cố làm tăng lưu lượng khí thải ra môi trường, ảnh hưởng đến 693,3 ha cây trồng, gồm: rau màu, chè, quế… của 743 hộ dân. Trong đó, tại xã Phú Nhuận có 10 thôn bị ảnh hưởng với 721 hộ; thị trấn Tằng Loỏng có 22 hộ bị ảnh hưởng với 40 ha cây trồng hoa màu bị thiệt hại.