Trên 60 đại biểu đại diện một số cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đăk Lăk cùng tham dự hội thảo.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị. Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022-QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và là cơ hội lớn để tỉnh xác định định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tới, nhất là đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong chiến lược phát triển của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, triển khai lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để tinh chỉnh, trước khi trình Hội đồng thẩm định. Dự thảo Quy hoạch đã đề cập hiện trạng phát triển của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, qua đó nêu rõ những thuận lợi và hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan điểm phát triển, mục tiêu và tầm nhìn của tỉnh trong thời gian tới được thực hiện thông qua 3 trụ cột chính về kinh tế, xã hội và môi trường, qua đó tạo nên một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch, để Khánh Hòa trở thành điểm đến ven biển hàng đầu Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa phấn đấu là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa xây dựng tỉnh thành 4 vùng quy hoạch chính, nhằm khai thác lợi thế đặc biệt của mỗi vùng, bao gồm: Khu Kinh tế Vân Phong, Khu vực Nha Trang và phía Nam Ninh Hòa, Cam Ranh và khu vực ven biển Cam Lâm, Khu vực nội địa và miền núi. Trọng tâm trong 10 năm tới, kinh tế Khánh Hòa dựa vào dịch vụ và xây dựng các dự án trọng điểm; 20 năm tiếp theo sẽ là nâng cao nguồn lực và năng lực dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2050, GRDP của tỉnh đạt từ 15 đến 23 tỷ USD…
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch của Khánh Hòa vẫn còn hạn chế, chính sách phát triển chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế, tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững. Góp ý về mục tiêu trở thành điểm đến ven biển hàng đầu Đông Nam Á, ông Phạm Trung Lương cho rằng Khánh Hòa cần chia không gian du lịch thành ba vùng gồm biển đảo, đồng bằng và miền núi; cơ cấu lại du lịch trên các yếu tố thị trường, sản phẩm du lịch, chủ động liên kết với các địa phương khác như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Ninh Chữ (Ninh Thuận)… và cố gắng phục hồi thị trường du khách Tây Âu trong giai đoạn tới.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, Cố vấn trưởng Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, địa phương cần bảo đảm sự an cư lạc nghiệp cho mọi người dân trong vùng quy hoạch, xuyên suốt các giai đoạn thực hiện quy hoạch. Riêng việc quy hoạch huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ-TW, đây là mô hình mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cần gắn liền giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển của sân bay Cam Ranh, vẫn giữ được vai trò “cửa ngõ” của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, bảo đảm an toàn cho hoạt động của sân bay.
Trao đổi về sự liên kết vùng, giữa các địa phương lân cận với tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: Khánh Hòa và Lâm Đồng cần phải liên kết thực chất để cùng phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản, bởi hai địa phương ở cạnh nhau, cùng có thế mạnh về du lịch; có nhiều sản phẩm về nông sản, hải sản. Bên cạnh đó, hai địa phương cần hợp tác để cùng phát triển kinh tế. Ông S lấy ví dụ: Lâm Đồng hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có một doanh nghiệp của Khánh Hòa có dự án đầu tư ở Lâm Đồng. Ngược lại, Khánh Hòa có hơn 9.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có hai doanh nghiệp từ Lâm Đồng đến đầu tư.
Nói về hạn chế và thách thức chính trong vấn đề nguồn nhân lực của tỉnh Khánh Hòa, Tiến sĩ Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học - xã hội vùng Trung bộ, Khánh Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển các ngành kinh tế được xác định là trọng điểm trong quá trình lập quy hoạch; tăng cường huy động, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Theo kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thiện dự thảo quy hoạch vào cuối tháng 9/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.