Ông Nguyễn Thanh Cần, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, năm nay, có đến 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Hồng Tin, Công ty TNHH MTV Gia Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hợp tác xã Châu Hưng tại xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành tham gia hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Tính đến thời điểm 20/8, tổng diện tích sản xuất lúa hữu cơ được các doanh nghiệp hợp đồng sản xuất ở xã Long Hòa và Hòa Minh thu mua gần 120 ha; trong đó, tại xã Long Hòa có 101 hộ dân ký kết hợp đồng sản xuất 112 ha. Các giống lúa được doanh nghiệp hợp đồng sản xuất và bao tiêu chủ yếu là ST 24, ST 25, OM900, Đài Thơm 504.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Thành, xã Long Hòa cho biết, mô hình trồng lúa hữu cơ được kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa là phương thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân liên tục trong nhiều năm qua. Bình quân, trên diện tích 1 ha sản xuất lúa hữu cơ cho năng suất từ 5,5 – 6 tấn và sản lượng tôm càng xanh nuôi cho thu hoạch khoảng 550 kg/vụ. Tính tổng lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa hữu cơ - tôm càng xanh, nông dân thu lãi ròng từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh vừa bảo vệ môi trường, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đảm bảo tính bền vững so với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức bán thâm canh và thâm canh nhiều rủi ro do nuôi tôm 2 – 3 vụ/năm.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Trà Vinh, tỉnh có nhiều vùng đất sản xuất có đủ điều kiện để phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản để tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời gian qua do tình hình khó khăn tìm doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra cho hạt lúa hữu cơ nên mô hình sản xuất này phát triển chưa nhiều.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch phát triển một số vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao; trong đó, diện tích lúa hữu cơ được tổ chức sản xuất 1.000 ha và phấn đấu đến năm 2030 là 2.500 ha. Các địa phương trong tỉnh được quy hoạch bố trí sản xuất lúa hữu cơ chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang cùng các địa phương và các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp về mặt kỹ thuật trồng trọt, chế biến, bảo quản,… đủ điều kiện và được chứng nhận tiêu chuẩn như: VietGAP, HACCP, ISO,… và tiêu chuẩn tương đương khác.
Hiện tại, tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đối với Hợp tác xã Tiến Thành, ở xã Long Hòa, huyện Châu Thành, đang được hỗ trợ thực hiện Đề án” Xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ”.