Nhiều gia đình xây nhà nuôi chim yến không có giấy phép xây dựng

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An, qua điều tra các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến, tỉnh Long An có 209 hộ gia đình, cá nhân tự ý xây nhà nuôi chim yến trong khu dân cư không có giấy phép xây dựng (do hiện nay chưa có quy định thủ tục cấp giấy phép xây), chiếm 39%; 203 nhà có giấy phép xây dựng nhưng tự ý cải tạo, thay đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến, chiếm %.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà nuôi chim yến chưa thực hiện các hồ sơ bảo vệ môi trường. Số nhà có hồ sơ môi trường chiếm 7,3%. Số nhà yến có trang bị dụng cụ đo âm thanh, chiếm 39,4%. Số nhà yến có thực hiện việc khử trùng là 177 nhà, chiếm 33,2%...

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, địa phương có số lượng nhà yến tăng mạnh, chủ yếu ở các huyện có vị trí gần cửa sông như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành. Đây là nhưng nơi có nguồn thức ăn phong phú đã tạo ra nguồn thu nhập lớn cho người dân. Tuy nhiên, việc dẫn dụ, gây nuôi này còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Do đó, việc quản lý an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn cho con người chưa được đảm bảo.

Từ thực trạng phát triển loại hình dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan Trung ương sớm ban hành quy định về bảo vệ môi trường đối với nhà yến. Các quy định cụ thể về quy cách, quy mô xây nhà nuôi chim yến; hướng dẫn chi tiết về quản lý nhà yến kết hợp chung với nhà ở để địa phương có cơ sở quản lý đồng bộ về loại hình này.

Trước đó, từ tháng 7/2020, UBND tỉnh Long An cũng đã thực hiện quy định chi tiết về vùng nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trong tỉnh không được phép nuôi chim yến, bao gồm: Khu vực các phường của thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường; khu vực thị trấn thuộc các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng; khu, cụm, tuyến dân cư hiện hữu hoặc có chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền phê duyệt.

Những vùng không thuộc khu vực nêu trên được phép nuôi chim yến. Tuy nhiên, phải đảm bảo nhà nuôi yến có khoảng cách tối thiểu 300 m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép nuôi.  Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trong khu vực nội thành trước khi có quy định trên, đến năm 2025 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Những cơ sở chăn nuôi được xây dựng trong khu vực được phép phải tiến hành hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Long An hiện có 533 nhà nuôi yến, với tổng diện tích khoảng 160.130 m2; ước số lượng đàn yến trên 256.000 con. Trong số đó, có 176 nhà yến yến đang khai thác, chiếm 33%; 357 nhà chưa khai thác, chiếm 67%.
Thanh Bình (TTXVN)
Long An quy định khu vực nội thành không được phép nuôi chim yến
Long An quy định khu vực nội thành không được phép nuôi chim yến

Theo UBND tỉnh Long An, từ tháng 7/2020, tỉnh bắt đầu thực hiện quy định chi tiết về vùng nuôi chim yến trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN