Huyện Tây Giang (Quảng Nam) được tái lập năm 2003 theo Nghị định số 72/2003/NĐ-CP ngày 20/6/2003 của Chính phủ. 20 năm sau ngày tái lập, từ một huyện “4 không” không điện, không đường, không trường, không trạm và hơn 86% hộ dân thuộc hộ nghèo, đến nay Tây Giang đã thay đổi toàn diện.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW và Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, huyện Tây Giang đang từng bước hoàn thiện hạ tầng tại 8 xã biên giới, lồng ghép nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xây dựng và bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển với các huyện Đăk Chưng và Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào anh em.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập, đồng chí Bhling Mia, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Thưa Bí thư Huyện ủy, xin đồng chí chia sẻ những thành tựu nổi bật sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của tỉnh và của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới của huyện Tây Giang?
Ngay sau khi Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại được ban hành; Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang đã xác định đây là Nghị quyết rất quan trọng; có tác động mạnh mẽ đến huyện, giúp công cuộc xây dựng và phát triển huyện Tây Giang ổn định, đồng bộ, bền vững hơn. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa Nghị quyết và Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống; Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 16/4/2018 về tập trung đầu tư phát triển toàn diện 8 xã biên giới huyện Tây Giang giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, với việc đánh giá đúng thực trạng, nguồn lực, đề ra được các giải pháp thiết thực và sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân toàn huyện; đến nay huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển; cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Khai thác và phát huy tối đa lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, nên thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển cây dược liệu, các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tạo được thương hiệu trên thị trường. Có 3/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, 10/10 xã, trong đó có 8 xã vùng biên giới, có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, 62/63 thôn có đường ôtô đến thôn, hơn 50% các khu sản xuất có đường giao thông đến tận nơi; hơn 90% các thôn có điện lưới quốc gia; mạng lưới trường, lớp học, trạm y tế được phủ khắp các thôn; san ủi, bố trí được 123 mặt bằng thôn, khu dân cư tập trung với tổng diện tích tái định cư hơn 374 ha, bố trí cho hơn 5.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số định cư bền vững, gắn với sản xuất nông nghiệp, với đầy đủ hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của Nhân dân. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép không xảy ra, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 72,42%.
Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, các lễ hội truyền thống được phục dựng; tiếng nói và chữ viết Cơtu được phục hồi và từng bước được truyền giảng rộng rãi trong Nhân dân. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Hiện toàn huyện có 23 đơn vị trường học, với hơn 5.000 học sinh; số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia là 10 trường. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; không có xảy ra đại dịch lớn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân; thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho nhân dân các cụm bản giáp biên của nước bạn Lào, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa huyện Tây Giang với huyện Kà Lừm, Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào ngày càng bền chặt.
Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng – an ninh, đối ngoại đã thật sự đi vào cuộc sống, được đồng bào tích cực đón nhận. Tây Giang sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất trọng tâm nào để vùng biên giới phát triển bền vững, đạt kỳ vọng đã đề ra, thưa đồng chí?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra mục tiêu “Năm 2030, Tây Giang nằm trong nhóm phát triển của các huyện miền núi Quảng Nam”. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện chú trọng thực hiện việc huy động tối đa, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước tiên là rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng huyện dựa trên cơ sở quy hoạch của tỉnh và quản lý quy hoạch theo đúng Luật Quy hoạch; tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; nhất là nguồn lực của Trung ương, của tỉnh về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu huy động trên 1.500 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông trung tâm huyện, giao thông kết nối đến các huyện, hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng một số trụ sở làm việc xã, huyện, các trường; từng bước chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các mặt bằng dân cư, ưu tiên hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, đường nội bộ gắn với sắp xếp, dãn dân ở những nơi thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, đặc biệt là tập trung quy hoạch sắp xếp dân cư dọc tuyến biên giới để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên như: Arooi – Ating (xã Gari), Cha’nốc – Atu (xã Ch’ơm); đẩy mạnh xóa nhà tạm; đầu tư nhà máy nước sinh hoạt tại trung tâm huyện và các xã, cụm xã; nâng cấp mạng lưới điện đủ điều kiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Hai là, ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển nông nghiệp sạch, dược liệu theo chuỗi liên kết, trồng rừng phân tán và thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và lợi thế của từng xã; hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao. Thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp theo hướng liên kết từ đầu tư cây, con giống đến thu mua, chế biến; chú trọng đăng ký thương hiệu, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Xúc tiến đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hoạt động khuyến công, phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc gỗ, hàng lưu niệm....
Ba là, phát triển thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, xúc tiến phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Triển khai xây dựng chợ huyện, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh buôn bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư siêu thị mini tại huyện. Bố trí nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước các điểm du lịch hiện có của huyện, như: Rừng di sản Pơmu, điểm dừng chân Aliêng, Đỉnh Quế, Làng truyền thống Cơtu… nhằm tạo cơ sở ban đầu kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tiềm lực, tâm huyết tiếp tục đầu tư phát triển; từng bước chuyển giao các điểm du lịch cho tư nhân thuê khai thác, sử dụng, Nhà nước chỉ thực hiện vai trò quản lý, bảo tồn sản phẩm văn hóa, quảng bá, giới thiệu tiềm năng và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch.
Bốn là, tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo và chủ động triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới toàn huyện phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Năm là, tiếp tục triển khai các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học, bậc học, triển khai có chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới; chú trọng giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, văn hóa, chữ viết dân tộc Cơtu. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơtu; tiếp tục vận động, tuyên truyền Nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hoá độc hại. Triển khai thực chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, kết nối văn hóa vùng miền, các hoạt động văn hóa truyền thống để bảo tồn và phát huy.
Sáu là, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong Nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế; thực hiện tốt công tác kết nghĩa, giúp đỡ các bản giáp biên của huyện Kà Lừm, Đắc Chưng (Lào).
Bảy là, từng bước xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phấn đấu hoàn thành sớm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực quan, giúp dân cư khu vực biên giới nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Thưa đồng chí, đồng bào ở vùng giáp biên giữa huyện Tây Giang với nhân dân các địa phương của nước bạn Lào có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó lâu đời. Hai bên sẽ tiếp tục làm gì để không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ truyền thống quý báu này?
Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh và nâng tầm công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước giữa huyện Tây Giang với huyện Kà Lừm và huyện Đắc Chưng, thì đối ngoại Nhân dân và đối ngoại quốc phòng ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc giúp Nhân dân Lào anh em hiểu biết sâu sắc hơn về một dân tộc Việt Nam kiên cường, bác ái, yêu chuộng hòa bình và một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu lòng mến khách. Hoạt động qua lại thăm thân, giúp đỡ lẫn nhau được quan tâm đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tiếp tục vun đắp, xây dựng mối quan hệ truyền thống hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào nói chung và Tây Giang - Kà Lừm nói riêng, ngày càng bền chặt.
Các hoạt động qua lại thăm thân, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm đẩy mạnh và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân các huyện giáp biên, tiếp tục vun đắp xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung và giữa huyện Tây Giang - Kà Lừm, Đắc Chưng nói riêng, ngày càng mật thiết.
Định kỳ, huyện Tây Giang và huyện Kà Lừm tổ chức Hội nghị giao ban và tháng 4/2023 huyện Tây Giang và huyện Đắc Chưng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, nhằm trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực, góp phần giảm nghèo và cải thiện đời sống Nhân dân, cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tích cực triển khai công tác kết nghĩa các cụm bản dọc hai bên biên giới, nhằm tạo ra một kênh giao lưu Nhân dân toàn diện, bền vững và hiệu quả; thực hiện hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, đoạn biên giới giữa hai huyện Tây Giang - Kà Lừm; phối hợp hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Thỏa thuận của hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai huyện. Tổ chức đoàn công tác thăm, tặng quà dịp lễ kỷ niệm, lễ truyền thống và tết cổ truyền dân tộc của Lào, giúp đỡ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Đồng thời, thành lập Quỹ Nghĩa tình biên giới để giúp đỡ nhân dân các cụm bản giáp biên, theo đó, đã đầu tư san ủi mặt bằng bố trí đất ở cho 43 hộ dân, công trình cấp nước sinh hoạt, mở đường công vụ và hỗ trợ nhà tình nghĩa tại bản Tà Vàng, với tổng giá trị là 5,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.
Trong thời gian tới, với phương châm “Giúp bạn là tự giúp mình” huyện Tây Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác kết nghĩa, giúp đỡ các bản giáp biên của huyện Kạ Lừm, Đắc Chưng (Lào); qua đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó lâu đời giữa huyện Tây Giang với huyện Kà Lừm, Đắc Chưng nói riêng và giữa 02 nước nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!