Người thành công luôn có lối đi riêng
Chị Bùi Thị Thủy, sinh năm 1988, quê Nghệ An; theo bố mẹ vào thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Do đất sản xuất ít, nên đời sống gia đình chị Thủy gặp nhiều khó khăn. Từ nhỏ, chị Thủy đã cùng các em, buổi đi học, buổi về phụ giúp cha mẹ làm đồng áng, trồng rau nuôi gà và buôn bán nhỏ, để trang trải cuộc sống. Gia cảnh nghèo khó, nhưng chị Thủy vẫn luôn ấp ủ ước mơ vươn lên, làm giàu chính đáng.
Tình cờ chị Thủy biết được nhiều loại hoa quả, thảo mộc có thể sản xuất thành xà phòng, dầu gội để chăm sóc và làm đẹp. Vốn là con nhà nông và sẵn vườn nhà có 2000m2 đất nông nghiệp, chị Thủy đã cùng với các em bắt tay trồng cây thảo mộc hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học để sản xuất dầu gội, xà phòng. Những mẻ xà phòng thảo dược thiên nhiên như gấc, hoa hồng, cà phê, do chị Thủy và các em sản xuất, lần lượt ra đời. Chị Thủy còn nhận thấy tại người nông dân ở địa phương thường cắt bỏ những trái bưởi non xấu, trong khi vỏ bưởi non chứa nhiều tinh dầu, nên đã mày mò tìm hiểu, sản xuất ra xà phòng bưởi và tinh dầu vỏ bưởi dưỡng tóc.
Cũng từ ý tưởng khởi nghiệp này, chị Thủy tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021 và đạt giải ba. Khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, cũng như các hội chợ triển lãm, hội thảo tổ chức tại Đồng Nai và nhiều nơi khác, chị Thủy tiếp thu nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, kỹ năng tiếp cận thị trường và bán hàng. Chị đăng ký nhãn hiệu sản phẩm Lá Farm, đồng thời thiết lập website lafarmvietnam.com để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Chị Thủy tâm sự: "Dù bạn nhỏ bé thế nào, hãy cứ dám nghĩ dám làm, tự xây dựng sự nghiệp, thực hiện ước mơ của mình".
Anh Nguyễn Ngọc Hà, sinh năm 1987, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Xu Hướng Việt – Vinatrends (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cũng là một tấm gương vượt khó vươn lên. Từ nhỏ, hoàn cảnh của gia đình khó khăn, nên anh Sang phải nghỉ học giữa chừng để đi làm. Sau đó, anh học bổ túc văn hóa, tốt nghiệp THPT và thi đậu vào một trường đại học, ngành quản trị kinh doanh.
Năm 2008, khi đang là sinh viên, anh lại bị tai nạn giao thông, chấn thương đốt sống cổ, chèn ép tủy, rồi bị liệt gần như toàn thân. Thời gian này đối với anh là chuỗi ngày đẫm nước mắt, đau khổ tột cùng. Nhưng với ý chí và tinh thần quyết không đầu hàng số phận, anh Hà kiên trì tập vật lý trị liệu và sự kỳ diệu đã đến khi anh cử động được tay chân. Anh cố gắng tập di chuyển bằng xe lăn, rồi tập bước đi bằng dụng cụ hỗ trợ.
Anh Hà cho biết, trong khoảng thời gian này, anh Hà lên mạng tự mày mò tìm hiểu công nghệ thông tin, lập trình. Dù chỉ tự học, nhưng anh Hà cũng nắm bắt nhiều kỹ năng công nghệ thông tin và kiếm sống bằng nghề thiết kế, quản trị website và makerting trực tuyến.
Sau hai năm làm quản trị mạng, marketing trực tuyến cho nhiều công ty bất động sản và xây dựng, anh Hà nhận thấy các lĩnh vực này có nhiều tiềm năng, nên chuyển sang nghiên cứu thiết kế công trình. Năm 2015, anh Hà cùng với một người bạn góp vốn thành lập Công ty TNHH xây dựng Vinatrends, chuyên tư vấn thiết kế – thi công kiến trúc và nội thất.
Đến nay, từ một công ty chỉ chuyên về thiết kế, công ty của anh Hà phát triển đa dạng loại hình, từ thiết kế đến xây dựng, hoàn thiện công trình nhà ở, nhà xưởng. Thị trường chính của công ty là ở Đồng Nai và một số địa phương lân cận.
Nhà nước đồng hành cùng người sáng tạo
Ông Lý Minh Hùng, ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, là giám đốc hợp tác xã (HTX) Thanh Bình, có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng, chế biến và xuất khẩu chuối.
Ông Hùng kể lại, vào năm 2000, theo phong trào tại địa phương, gia đình ông bắt đầu trồng cây chuối, chủ yếu bán trái cho thương lái thu mua xuất khẩu. Đến năm 2017, thương lái ngừng thu mua ,khiến hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ của nông dân Đồng Nai bị ứ đọng, một số lượng lớn phải vất bỏ, khiến nhà nông, trong đó có gia đình ông, điêu đứng. Trước tình trạng đó, ông Hùng trăn trở phải đi tìm đầu ra ổn định cho cây chuối.
Năm 2018, ông Hùng được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức cho đi học hỏi, tham quan các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu nông sản tại Hàn Quốc. Ông Hùng nhận thấy tại Hàn Quốc, từ cây sâm, củ sâm, họ chế biến ra rất nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ông nung nấu ý định chế biến sâu các sản phẩm từ chuối để xuất khẩu, bởi có như vậy mới bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.
Trở về từ chuyến tham quan, ông Hùng vận động nhiều nông dân trồng chuối ở địa phương cùng thành lập HTX Thanh Bình, nhằm liên kết lại, tạo nên sức mạnh, đầu tư cho ý tưởng đưa sản phẩm từ cây chuối của Đồng Nai vươn xa. Ý tưởng ban đầu rất hay là thế, nhưng để trở thành hiện thực là cả một thời gian dài với bao nỗ lực không mệt mỏi. Vốn chỉ là nông dân, hầu như chưa biết gì về kỹ thuật, công nghệ chế biến, nên ông Hùng khăn gói lên đường tìm đến các doanh nghiệp chế biến nông sản, xin làm công để học hỏi kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp chế biết được ý tưởng của ông Hùng đã đồng cảm với ông, tận tình chia sẻ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây tươi.
Sau một thời gian tìm hiểu, nắm được kỹ thuật, ông Hùng mua máy móc về chế biến các sản phẩm từ trái chuối như chuối sấy, bột chuối xanh, bột chuối vàng.
Ông Hùng cho biết, với 120ha chuối trồng theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn, hiện tại, mỗi tháng HTX xuất khẩu hàng trăm tấn chuối tươi và các sản phẩm chế biến từ chuối sang các nước Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Á, Singapore...
Bên cạnh đó, hiện tại HTX đã nhập máy móc để sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm từ bẹ thân cây chuối, như: Ba lô, giỏ xách; sản phẩm tô, ly, chén sử dụng một lần, hoặc các tấm thảm được dệt từ bẹ chuối. Ngoài ra, ông Hùng còn nghiên cứu và thực hiện thành công bẹ chuối cấy mô xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới, tận dụng được những bẹ chuối bỏ đi sau thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo ông Hùng, một trong những khó khăn thường thấy nhất khi khởi nghiệp là thiếu vốn và đôi khi thiếu sự ủng hộ của những người xung quanh. Vì vậy, nếu bản thân không đủ kiên trì, cố gắng tới cùng sẽ rất khó để khởi nghiệp thành công.
Thực hiện đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Chính phủ (Đề án 844), hàng năm, UBND tỉnh Đồng Nai đều ban hành kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tiễn. Điển hình như năm 2024, Đồng Nai đặt ra yêu cầu các nghành, lĩnh vực đột phá ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo (ĐMST), bao gồm: chuyển đổi số, công nghệ thông tin truyền thông, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch và logistic, chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo...
Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Đồng Nai được thực hiện trên nhiều mặt như hỗ trợ truyền thông, pháp lý, giới thiệu sản phẩm, kết nối sản phẩm. Cho đến nay, Đồng Nai đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm nhiều thành tố trong đó có doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà nước...
Khi triển khai đề án, có sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, ban ngành. Trong đó điển hình như Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân.... Các tổ chức Hội thường xuyên mở các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khuyến khích, truyền cảm hứng khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh, quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp…
Nhằm hỗ trợ vốn cho người khởi nghiệp, các tổ chức hội cũng vận dụng nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đoàn thanh niên...
Anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư tỉnh đoàn Đồng Nai nhận định: Thời gian qua, phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế, thanh niên khởi nghiệp sôi nổi ở khu vực nông thôn, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó việc thực hiện có hiệu quả những chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” gắn với phong trào “Tuổi trẻ Đồng Nai chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng.
Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên.
Các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp như: tổ chức các hội chợ, sàn giao dịch việc làm cho thanh niên, tạo cầu nối đáng tin cậy giữa doanh nghiệp và lao động trẻ nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tư vấn cho hội viên, thanh niên, sinh viên cách làm hồ sơ vay học tập, sản xuất, tranh thủ mọi nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp...