Tất bật mưu sinh
Những ngày này, nước lũ tại vùng đầu nguồn của tỉnh An Giang rút nhanh. Nhiều cánh đồng đã xả nước ra để người dân làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân. Nước lũ rút, người dân sống bằng nghề chài, lưới cũng dời địa điểm đánh bắt tôm, cá từ trên đồng xuống bến sông. Nếu như đánh bắt cá trên đồng vào mùa lũ sử dụng các biện pháp như đặt dớn, đẩy côn, đặt lợp; khi cá ra sông lại sử dụng những biện pháp khác là quăng chài, thả lưới, giăng câu…
Hơn một tuần nay, ông Trần Văn Minh, ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã di chuyển chiếc thuyền gỗ từ trên cánh đồng thuộc ấp Phú Nhơn xuống sông Vĩnh Hội Đông để tiện cho việc đánh bắt cá. Ông Minh cho biết, khoảng cuối tháng 9 âm lịch, nước lũ trên đồng bắt đầu rút, cá từ trên đồng ruộng cũng theo đó đi ra sông. Mỗi ngày, ông thả lưới trên sông bắt được 7 - 10 kg cá các loại, như cá chạch, cá lóc, cá linh, cá mè vinh… Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ông bủng rủng rỉnh hơn.
Tại ngã ba sông Vĩnh Hội Đông, đoạn nhập vào sông Châu Đốc, bên kia là sông Vĩnh Hội Đông chạy dài qua cánh đồng tiếp giáp Campuchia nước cuồn cuộn một màu đục ngầu phù sa. Khúc sông chừng hơn 100m có gần chục xuồng câu, lưới, ghe ủi cá nhộn nhịp đánh bắt. Bà con dùng loại lưới có kích thước mắt lưới to để giăng bắt cá cá lăng, cá mè vinh, cá kết…; còn lưới có mắt nhỏ hơn dùng bắt cá chạch, cá linh, cá thiểu… Theo người dân địa phương, những ngày qua, xuôi theo con nước, các loại cá trên đồng đi ra khu vực đoạn sông này nên bà con đánh bắt được nhiều hơn so với ngày thường.
Ông Lê Văn Phương, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) cho biết, vài ngày nay, ông giăng lưới dưới sông Vĩnh Hội Đông, cá dính nhiều hơn, mỗi ngày ông bắt được khoảng 10 - 15 kg, bao gồm các loại cá như: cá linh, cá rô đồng, cá kết, cá mè vinh… Ngày nào trúng kiếm cũng được trên 30 kg cá các loại.
Theo ông Phương, những loại cá tự nhiên (hay còn gọi là cá đồng) rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thương lái chực chờ thu mua ngay các loại cá mà người dân bắt được. Trung bình cá chạch 150.000 đồng/kg, cá chốt từ 60.000 - 80.000 đồng/kg (tùy loại), cá linh, cá thiểu từ 10.000 đồng/kg trở lên…; thu nhập mỗi ngày từ 200.000 - 400.000 đồng. Ngày nào giăng lưới được nhiều, bán không hết, ông Phương huy động người thân trong gia đình cắt đầu cá, làm sạch vảy, ruột cá... để ủ mắm hoặc làm khô.
Sôi động chợ cá đồng
Dạo một vòng các chợ nông thôn từ huyện biên giới An Phú đến thị xã Tịnh Biên, đâu đâu cũng bày bán các đặc sản của mùa nước nổi như: cá heo đuôi đỏ, cá khoai, cá linh, cá chạch, cá lăng, cá trèn, cá rô đồng, tép đồng,… cho đến các loại rau đặc trưng mùa nước nổi như: bông súng, bông điên điển, rau muống đồng...
Mới hơn 6 giờ 30 sáng tại chợ Cây Mít - một trong những khu chợ cá đồng lớn ở khu vực huyện biên giới thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên (An Giang) đã nhộn nhịp với những thanh âm cười nói, mời chào, ngã giá giữa người mua và người bán. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại thủy sản được ngư dân đánh bắt được trên kênh Vĩnh Tế và các cánh đồng lân cận.
Bà Nguyễn Thị Lan - tiểu thương chợ Cây Mít đon đả giới thiệu với với chúng tôi mớ cá linh to bằng ngón tay giữa đang nhảy xoi xói của mình: “Mua cá linh, đặc sản miền tây về nướng, kho rệu hay kho lạt đi chú. Cá linh mùa ngon lắm, bảo đảm tươi rói, không ngon không lấy tiền”. Sau câu mời chào là nụ cười hiền khô, đôi mắt mong đợi người mua ngã giá.
Bà Lan cho biết, mùa cá ra là thời điểm được người dân đầu nguồn trông đợi nhất, bởi vào mùa này, tôm, cá đồng dồi dào, hoạt động buôn bán nhộn nhịp hơn, nhờ vậy mà thu nhập cũng khá hơn ngày thường. Trung bình mỗi ngày, bán được khoảng 10 - 15 kg cá đồng các loại, thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi chợ, giúp gia đình có thêm đồng ra, đồng vào.
Đang loay hoay chỉnh lại mấy cái máy tạo oxy trong các can nhựa chứa đầy cá, anh Nguyễn Văn Toàn, một tiểu thương tại chợ Cây Mít cho hay: anh thu mua tất cả những gì mà người dân đánh bắt được, từ cá linh, cá chạch, lươn đến tôm, cua, ốc… Mỗi ngày, anh mua khoảng 200 kg cá các loại để cung cấp cho bạn hàng ở thành phố Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhu cầu của khách hàng rất lớn, có bao nhiêu là họ lấy bấy nhiêu, giá cả ổn định.
Theo Toàn, sau ngày 15 tháng 10 âm lịch, nước trên đồng càng rút cạn hơn nên có thể cá dưới sông sẽ càng nhiều. Khi đó, không khí đánh bắt thủy sản vào những ngày cuối mùa lũ ở khu vực đầu nguồn tỉnh An Giang sẽ rất nhộn nhịp, người dân có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc đánh bắt thủy sản.
Mùa cá ra sông cũng là thời điểm người dân miền Tây vào mùa làm mắm cá đồng. Dọc theo các đường nông thôn từ thị xã Tân Châu, qua thành phố Châu Đốc, huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên… chúng tôi bắt gặp cảnh các bà, các chị ngồi làm cá linh, cá chốt để làm ủ mắm rất rôm rả.
Bà Trần Thị Tuyết, ngụ phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) chia sẻ, thời điểm này các cơ sở thu gom cá linh, cá chốt về ủ mắm chế biến nước mắm hay làm mắm sống… nên rất cần nhân công làm sạch ruột, bỏ đầu cá linh, cá chốt, để khi ủ mắm cá không bị hôi dầu, bị đắng.
“Một ngày cắt đầu cá linh, cá chốt, làm sạch nội tạng bên trong được trả từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy theo làm nhiều hay ít nên mấy ngày này phụ nữ vùng nông thôn siêng năng cũng có thu nhập” - bà Tuyết tâm sự.
Bà Tuyết cũng như nhiều người dân nghèo ở đầu nguồn châu thổ Cửu Long với bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó bao đời nay vẫn bám theo mùa nước nổi để mưu sinh. Trong ký ức của họ, mùa nước