Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Nghệ An vẫn đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội như: Tốc độ tăng trưởng sản phẩm nhanh, quy mô nền kinh tế lớn. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân giảm từ 2-3% (hiện tỷ lệ hộ nghèo là 5,19%).
Thành quả đó đã góp phần thay đổi diện mạo mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với truyền thống Xô Viết “đứng đầu dậy trước”. Ngay ở những địa phương gian khó nhất của tỉnh như miền núi cao, vùng biển xa, khát vọng thoát nghèo cũng đã được đánh thức bằng những chủ trương, chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước; trong đó phải kể đến việc thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị)
Điểm nổi bật trong thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40 ở tỉnh Nghệ An những năm qua là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tạo được sự lan tỏa, đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và công tác huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách.
Mục tiêu giảm nghèo và tạo chuyển biến mới cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều quan tâm, chú trọng mục tiêu này trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững được tăng cường, chủ yếu từ ngân sách trung ương; ngân sách địa phương, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi được huy động, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nghệ An, ông Trần Khắc Hùng, khẳng định: Điểm thuận lợi nhất là Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm cho công tác giảm nghèo, cũng như thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
Ngay từ những năm đầu thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40 cho đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn đã luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, Điểm giao dịch xã của NHCSXH. Nhờ vậy mà các nguồn lực tài chính ở Nghệ An từ ngân sách Nhà nước đã được quy về một đầu mối là NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định.
Hàng năm, UBND tỉnh và 21 huyện, thị xã thành phố trực thuộc đều bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH vốn ngân sách để cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đặc thù vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 30/4/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương là 417 tỷ đồng, tăng thêm 311,2 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Nghệ An lên 13,075 tỷ đồng, tăng 6.834 tỷ đồng so với năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 7,7%.
Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt trẽ của các cơ quan, ban ngành, song hành với việc tiếp nhận nguồn lực tài chính ở nhiều nơi trong quá trình triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mạng lưới NHCSXH cũng được xây dựng, củng cố theo năm tháng, hiện đã đạt độ phủ kín khắp địa bàn với 160 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Cũng cần ghi nhận công sức của những người làm tín dụng chính sách, đã chẳng quản ngại gian nan vất vả, tháng ngày bám sát cơ sở, tận tụy với công việc xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 6.152 Tổ Tiết kiệm và vay vốn cùng 1828 Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp tỉnh, huyện, xã; giúp người dân có thể được vay vốn kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của 11 huyện nơi miền Tây Xứ Nghệ.
Bí thư huyện ủy huyện Kỳ Sơn, ông Vi Hòe cho biết: Việc đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của toàn thể cán bộ đã giúp nguồn vốn chính sách ở Kỳ Sơn không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tốt, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống
Chàng trai dân tộc Mông 30 tuổi Xồng Bá Dênh, mới ngày nào còn nằm cuối bảng danh sách hộ nghèo của xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn; nhưng nay đã là ông chủ của một mô hình ăn nên làm ra trên vành đai biên giới Việt Lào. Với 100 triệu vốn vay từ NHCSXH và nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên, Xồng Bá Dênh đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, việc chăn nuôi của anh gặp thuận lợi, phát triển đàn trâu, bò thành 21 con, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm.
“Nguồn vốn chính sách thực sự là “đòn bẩy” cho người dân vùng cao biên giới chúng tôi phát triển sản xuất, làm giàu”, Xồng Bá Dênh tâm sự.
Còn ở Nghi Long, một trong 5 xã bãi ngang ven biển huyện Nghi Lộc (Nghệ An), phong trào nông dân tham gia vay vốn sử dụng vốn chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nuôi trồng, đánh bắt hải sản... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến mô hình kinh tế của hộ gia đình anh Nguyễn Viết Hồng, xóm 14 và hộ chị Lương Thị Toan, xóm 13; đã cải tạo những thửa đất ruộng cấy lúa năng suất thấp thành cánh đồng trồng rau củ quả theo công nghệ sinh học, thoát cảnh nghèo khó, nâng cao cuộc sống gia đình.
Tính đến thời điểm này, đã có 120.041 hộ của tỉnh vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vốn vay, trên 18.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 49.000 người lao động được hỗ trợ vốn tạo việc làm, thu nhập ổn định; 12.173 hộ nghèo sử dụng vốn vay ưu đãi xây được nhà mới kiên cố, xóa bỏ tình trạng nhà ở dột nát, tạm bợ; xây dựng trên 28.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, cải thiện môi trường sống ở khu vực nông thôn, miền núi dân tộc.
Trải qua chặng đường đầy gian khó, NHCSXH Nghệ An đã từng bước hiện thực hóa khát vọng dựng xây cuộc sống no ấm, hạnh phúc của người nghèo. Phát huy thành tích, đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách nơi xứ Nghệ vẫn kiên trì nỗ lực thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác huy động nguồn lực, truyền tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn đều khắp làng quê, tới đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thành công các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nơi vùng đất gần cực Bắc của vùng Bắc Trung Bộ này.