Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 12/10, Đắk Lắk ghi nhận hơn 900 ca mắc tay chân miệng tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột có số ca mắc cao nhất với 230 ca, huyện Cư M’gar 154 ca, huyện Buôn Đôn 109 ca. Đặc biệt, trước đây, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 30 - 40 ca tay chân miệng/ngày. Những tuần gần đây, số ca mắc tăng đột biến, mỗi ngày, ghi nhận khoảng 80 - 130 ca.
Theo Bác sĩ Lê Phúc, một trong những nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng tăng đột biến trong thời gian gần đây là do đúng vào thời điểm các em tựu trường khiến dịch bệnh dễ lây lan. Trước sự gia tăng đột biến của bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phổ biến các hướng dẫn chuyên môn đối với Trung tâm Y tế tuyến huyện để triển khai biện pháp khoanh vùng ổ dịch và điều trị ca bệnh, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát tốt các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, không để bùng phát trên diện rộng.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Trung Thành cho biết: Trước sự gia tăng của bệnh tay chân miệng, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh chú trọng điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ; bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh lây chéo tại bệnh viện.
Trẻ mắc bệnh phải được đưa đến khám, điều trị tại cơ sở y tế, tuyệt đối không để trẻ đến trường. Trẻ mắc bệnh sau khi xuất viện thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày theo quy định.
Để ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong thời gian tới, Sở Y tế Đắk Lắk đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Cùng với đó, tổ chức phổ biến các kỹ năng cho cô giáo, người chăm sóc trẻ về biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn thực hành cho trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách bằng nước sạch và xà phòng... Các cơ sở giáo dục kịp thời phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, thông báo cho cơ quan y tế địa phương để khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.