Đó là bệnh nhân nữ T.H.B (37 tuổi, ở Nam Định), sốt ở nhà 3 ngày kèm theo phát ban đỏ mọc từ mặt, cổ sau lan ra toàn thân, kèm đau rát họng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt phát ban/giảm bạch cầu, tăng men gan, viêm phổi ở bệnh viện địa phương, sau điều trị kháng sinh không đỡ đã chuyển Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, sau khi xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán sởi có biến chứng viêm phổi. Hiện tại, sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân nam N.V.A ( tuổi), tiền sử khỏe mạnh sống ở thành phố Thanh Hóa bị sốt nóng liên tục 5 ngày, kèm theo đau họng, viêm đường hô hấp trên. Sau 3 ngày bệnh nhân nổi ban, lúc đầu ban mọc ở mặt sau lan ra toàn thân kèm ngứa ngáy khó chịu, những ngày sau đau bụng, đi ngoài phân lỏng 4-5 lần/ngày. Sau khi nhập bệnh viện tỉnh với chẩn đoán sốt phát ban, điều trị không thấy đỡ, bệnh nhân ho nhiều nên được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ sau khi thăm khám phát hiện bệnh nhân có hội chứng phát ban nghi sởi, kèm hội chứng viêm long đường hô hấp trên, khám họng thấy có hạt Koplik là những chấm trắng vùng niêm mạc má phải, thêm các dấu hiệu mắt đỏ cộm, sưng nề mi mắt. Bệnh nhân được xét nghiệm khẳng định là nhiễm virus sởi. Sau 5 ngày được điều trị tích cực tại đây, bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện không có biến chứng.
Một bệnh nhân khác vừa nhập viện tên V.T.T (21 tuổi) là sinh viên ở Đống Đa, Hà Nội. Cách vào viện 3 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt, kèm theo nổi ban đầu tiên ở mặt, sau gáy, sau đó lan ra toàn thân, kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân đi khám được chẩn đoán là dị ứng, sau khi được xét nghiệm sởi dương tính thì được chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên.
Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm. Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.
Ngày 27/8 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 3547/QĐ-UBND về công bố dịch sởi - bệnh truyền nhiễm nhóm B và Kế hoạch số 4959/KH-UBND về Chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi trên địa bàn Thành phố năm 2024. Nhiều địa phương trong cả nước cũng có những ca bệnh sởi trong cộng đồng. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán và cách ly, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và phát hiện muộn, từ đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bệnh sởi cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván... có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi - quai bị - rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.