Bác sĩ Võ Thị Thùy Trâm, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết, trong tháng 1/2021, toàn tỉnh ghi nhận 87 ca sốt xuất huyết, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó, An Minh, Vĩnh Thuận và thành phố Phú Quốc là các địa bàn có số ca mắc cao. Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận 160 ca mắc, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, huyện Hòn Đất, thành phố Rạch Giá và Hà Tiên là những nơi có số ca mắc cao.
Thời gian tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để phòng, chống sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu UBND các cấp, chỉ đạo và huy động các ban, ngành phối hợp với ngành Y tế giám sát, kiểm tra chiến dịch diệt loăng quăng, đảm bảo tất cả hộ gia đình trong vùng nguy cơ đều được kiểm tra.
Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, đảm bảo phun hóa chất toàn các bộ hộ gia đình trong khu vực xử lý, tuân thủ đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước - sau phun nhằm bảo đảm chất lượng can thiệp. Đặc biệt, lực lượng chức năng chủ động chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng triển khai hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Nhất là đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng và hoạt động phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, thực hiện.
Đối với bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín.
Bác sĩ Võ Thị Thùy Trâm cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống bệnh tay chân miệng tại trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng, vị trí thuận tiện tạo thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Khi phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời…