Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), lệnh cấm Tiktok tại Ấn Độ đang tạo cơ hội cho những ứng dụng “nhái” ra đời với mục đích lừa đảo người dùng.
Tuần trước, nhiều người dùng TikTok Ấn Độ đã phát hiện ra mình không thể truy cập vào ứng dụng. Sau cuộc đụng độ bạo lực giữa binh sĩ hai nước tại khu vực tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok cũng như 58 ứng dụng khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến tuần này, một số người sử dụng đã nhận được tin nhắn mời tải một ứng dụng khác có tên gọi TikTok Pro. Công ty chủ quản của Tiktok – ByteDance tuyên bố TikTok Pro hoàn toàn không liên quan tới công ty và ứng dụng gốc.
Ngoài giống về biểu tượng và tên gọi, ứng dụng mới không cho phép người dùng xem video hay tự quay video như TikTok. Thay vào đó, nó liên tục gửi cho người cài đặt loạt đường dẫn và quảng cáo các ứng dụng khác. Trong quá trình cài đặt, ứng dụng TikTok Pro yêu cầu được quyền truy cập hình ảnh, tập tin, danh bạ, vị trí định vị, tin nhắn và nhiều dữ liệu cá nhân khác của người dùng.
Những người dùng điện thoại tại Ấn Độ nhận được tin nhắn mời cài đặt ứng dụng TikTok Pro với một đường dẫn đi kèm. Anh Purushotham – một cư dân mạng cảnh báo trên Twitter rằng khi anh ấn vào đường dẫn, tin nhắn mời tải ứng dụng sẽ tự động gửi tới các số điện thoại khác có trong danh bạ của anh.
Hiện vẫn chưa rõ đã có bao nhiêu người dùng bị mắc lừa sử dụng ứng dụng này. Truyền thông địa phương khuyến cáo người dân không nên tải ứng dụng TikTok Pro vì lý do an toàn. Không chỉ những nhóm lừa đảo, nhiều đối thủ cạnh tranh với TikTok cũng nhân cơ hội này tìm cách thế chỗ đứng của ứng dụng tại Ấn Độ.
Instagram đang âm thầm thử nghiệm Reels – một ứng dụng quay video ngắn tương tự TikTok. Ứng dụng này đã có mặt tại một vài quốc gia và mới đây được thông báo thử nghiệm ở Ấn Độ. Các ứng dụng “Made in India” như Chingari và Roposo đang nhận được lượng tải về tăng đột biến. YouTube cũng được cho là đang thử nghiệm ứng dụng Shorts cạnh tranh với TikTok.