Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Ấn Độ đang dần đẩy mạnh hành động nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu và dự án đầu tư của Trung Quốc kể từ khi xảy ra cuộc đụng độ bạo lực khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong vào tháng trước.
Ngày 30/6, Delhi ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có Tiktok và WeChat. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông nước này Nitin Gadkari tuyên bố các công ty vừa và nhỏ Trung Quốc kể từ bây giờ sẽ không thể tham gia các dự án xây dựng đường cao tốc tại Ấn Độ.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ tẩy chay hàng hóa, cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc. Quan hệ thương mại giữa hai nước từ lâu đã rạn nứt, trước khi cả cuộc xung đột ở thung lũng Galwan xảy ra. Thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc chỉ tăng 2,5% trong năm 2018 và giảm 7,5% trong năm 2019. Theo số liệu mới nhất do chính phủ Ấn Độ cung cấp, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ đạt mức 65,3 tỷ USD, giảm 7% so với một năm trước đó.
Trong nhiều năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi luôn tích cực đẩy mạnh chính sách “Made in India” để quảng bá các ngành trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài như Trung Quốc.
Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy của Thủ tướng Modi, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc vẫn là 56,77 tỷ USD tính trong năm 2019.
Đầu tháng 1/2020, truyền thông Ấn Độ đưa tin New Delhi đang cân nhắc việc áp thuế lên 300 sản phẩm trị giá 127 tỷ USD, song tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện các biện pháp này vẫn chưa đáng kể. Cụ thể, vào tuần trước, Ấn Độ mới chỉ áp thuế lên một vài sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác.
Trong bối cảnh xung đột biên giới tiếp diễn, giới phân tích cho rằng các biện pháp thuế nhắm tới những ngành chiến lược như hóa học, điện tử, cơ khí nặng, dược phẩm sẽ được triển khai.
Theo website của Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh, năm 2019, Trung Quốc chiếm khoảng 14% hàng nhập khẩu của Ấn Độ và là nhà cung cấp chính cho các lĩnh vực như điện thoại di động, viễn thông, điện lực, đồ chơi nhựa và các thành phần dược phẩm quan trọng.
Ujas Shah – nhà phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) trụ sở tại Ấn Độ - cho hay: “Ấn Độ sở hữu một ngành công nghiệp nội địa chuyên sản xuất dược phẩm giá rẻ song ngành này phần lớn lại phụ thuộc vào nguyên liệu lấy từ Trung Quốc. Nếu chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này, ngành sản xuất dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất có thể Bắc Kinh sẽ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các nguyên liệu thuốc cho Delhi như một biện pháp trả đũa nếu căng thẳng leo thang”.
Tương tự, các sản phẩm điện tử trong đó có điện thoại di động cũng trở thành mục tiêu nhắm tới. “Điện thoại di động chiếm phần lớn nhất trong các mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc, và đây có thể là ứng viên tiềm năng bị Ấn Độ tăng thuế”, ông Shah dự đoán.
Tuy nhiên, việc thay thế nguồn cung cho sản xuất không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ông Joe Thomas Karackattu - nhà nghiên cứu về quan hệ Ấn-Trung thuộc Viện Kỹ thuật Ấn Độ tại Chennai - nhận xét động thái áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung khác có thể khiến người tiêu dùng tại Ấn Độ chịu thiệt vì giá đội lên cao.
“Về dài hạn, chúng ta cần phải thực sự nghiêm túc đánh giá liệu những lựa chọn này có thực sự đem lại lợi ích về kinh tế”, chuyên gia Karackattu lý giải.
“Tác động chung từ các biện pháp mà Ấn Độ áp dụng sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm 2021 và điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng tranh chấp biên giới, khả năng kiểm soát đại dịch và điều kiện kinh tế trong nước”, Koushan Das – Trợ lý Giám đốc công ty tư vấn chuyên nghiệp Dezan Shira & Associates ở New Delhi – kết luận.