“Đề cập đến các ứng dụng Trung Quốc có trong điện thoại của mọi người, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Mỹ cũng sẽ giải quyết vấn đề này. Tôi không muốn thông báo trước tổng thống, nhưng đó là điều mà chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc”, Ngoại trưởng Pompeo trả lời trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình hãng Laura Ingraham thuộc hãng tin Fox News.
Ông cho biết thêm người dân chỉ nên tải ứng dụng “nếu muốn thông tin cá nhân rơi vào tay Trung Quốc”. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang do tranh cãi liên quan đến an ninh quốc gia, thương mại và kỹ thuật...
Về phần mình, TikTok khẳng định chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. Sau phát ngôn của Ngoại trưởng Pompeo, một phát ngôn viên TikTok cho biết: “TikTok được một CEO người Mỹ dẫn dắt, với hàng trăm nhân viên và ban lãnh đạo chủ chốt đảm bảo sự an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công cộng tại Mỹ”.
TikTok là sản phẩm của công ty khởi nghiệp ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, TikTok cho hay ứng dụng hoạt động độc lập hoàn toàn với ByteDance. Nền tảng này khẳng định các trung tâm dữ liệu nằm bên Trung Quốc và không có dữ liệu nào bị chịu ảnh hưởng của luật pháp Trung Quốc. Ví dụ, dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ được lưu trữ tại Mỹ và có một cơ sở hỗ trợ tại Singapore.
Ứng dụng TikTok cực kỳ phổ biến tại Mỹ và các quốc gia phương Tây, trở thành nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đầu tiên thu hút được lượng người dùng cực lớn bên ngoài quốc gia. Theo thống kế của công ty Sensor Tower, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2020, ứng dụng này đã nhận được 315 triệu lượt tải về, nhiều hơn bất kỳ lượt tải ứng dụng nào trong lịch sử.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ hoan nghênh quyết định cấm 59 ứng dụng điện tử của Trung Quốc, cho rằng quyết định này sẽ “tăng cường an ninh quốc gia và sự toàn vẹn của Ấn Độ”.
Ngày 29/6, Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu của Trung Quốc, trong đó có TikTok của Bytedance, WeChat của Tencent. Theo hãng tin Reuters, Bộ Công nghệ Ấn Độ đã ra tuyên bố nêu rõ các ứng dụng trên "liên quan đến các hoạt động... gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ". Sau tuyên bố trên, Google và Apple sẽ phải dỡ bỏ các ứng dụng này trong các kho ứng dụng của hệ điều hành Android và iOS.