Động thái này cho thấy, nhà nước sẵn sàng thoái vốn khỏi những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì quyết định trên không hẳn là quyết định tự thân của SCIC, mà đây là do áp lực khi có những nhận định trong thời gian qua chủ yếu thoái vốn ở những doanh nghiệp làm ăn một cách bình thường, thậm chí những doanh nghiệp thua lỗ hay chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Ánh cũng thừa nhận, việc SCIC thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn có hiệu quả và đang có lợi nhuận lớn trong thời gian gần đây trong ngắn hạn sẽ cải thiện được thị trường tài chính. “Còn về mặt trung và dài hạn sẽ giúp chúng ta xác lập một cách rõ ràng hơn về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế nói chung cũng như vai trò của một nhà đầu tư vào các doanh nghiệp, cũng như vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế”, ông Ánh nói.
Ông Vũ Đình Ánh. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này là cần thiết và đã được quy định tại Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015, Nhà nước chỉ đầu tư vốn vào lĩnh vực bảo đảm an ninh, quốc phòng; hạ tầng công ích; độc quyền của nhà nước liên quan đến nền kinh tế.
“Vốn nhà nước đầu tư ngoài những lĩnh vực này thì dứt khoát phải thoái nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư. Vinamilk, FPT, Nhựa Tiền Phong...… mặc dù đang là những doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, nhưng không nằm trong đối tượng nhà nước phải đầu tư vốn nên phải thoái. Tất nhiên, thoái vốn phải có kế hoạch, có lộ trình bảo đảm hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế; trong đó có quyền lợi của ngân sách nhà nước”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, tất cả những lĩnh vực mà nhà nước không được đầu tư theo luật định đều phải thoái vốn, bất kể doanh nghiệp đó làm ăn có lãi hay không theo đúng nguyên tắc. Nhà nước chỉ làm những gì mà thành phần kinh tế khác không được làm, chưa làm được hoặc không muốn làm. Ngay cả những lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước đang phải đầu tư mà tư nhân chưa muốn làm hoặc không làm được, đến khi tư nhân muốn làm, có thể đầu tư thì nhà nước sẽ thoái vốn.
Quyết tâm là vậy nhưng thực tiễn quá trình thoái vốn cho thấy còn rất nhiều khó khăn. Theo kế hoạch thực hiện năm 2014 – 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) trên 25.000 tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, số vốn cần phải thoái này từ nay đến cuối năm 2015 vẫn còn nhiều và là một thách thức lớn đối với các ngành có liên quan.
Quyết tâm là vậy nhưng thực tiễn quá trình thoái vốn cho thấy còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN
|
Đánh giá về tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết về cơ bản, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo ông Hiền, quá trình tái cơ cấu, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành (đặc biệt là thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm) trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, tính đến thời điểm ngày 28/9 đã thoái vốn được hơn 8.8 tỷ đồng trên sổ sách và thu về 2.789 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực này cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là hơn 16.000 tỷ đồng. Để hoàn thành con số này trong 2 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn.
Nguyên nhân của việc chậm trễ được ông Trần Văn Hiền chỉ ra là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm. Do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia các quy định về bảo toàn vốn nhà nước khiến các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lo ngại, chần chừ, sợ trách nhiệm đã ảnh hưởng không ít đến quá trình giảm vốn, thoái vốn của doanh nghiệp.
Để giải bài toán khó “thoái vốn”, ông Trần Văn Hiền cho biết các cơ chế chính sách đã và đang được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, cơ chế chính sách đã cơ bản được ban hành đồng bộ cho việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong tình hình mới, đồng thời thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều kiện thị trường.
Bên cạnh việc đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Ngoài ra, các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.