Nguy cơ ngành sữa bị nước ngoài chi phối Theo TS Bùi Quang Tín, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước trong quản lý đầu tư doanh nghiệp quy định, Nhà nước sẽ thu hẹp các lĩnh vực mà thành phần kinh tế tư nhân có thể làm được; thu vốn để đầu tư vào những lĩnh vực khác mà Nhà nước cần phải nắm giữ trong các vấn đề về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng cơ sở...
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn. Ảnh: CTV
|
Tuy nhiên với những doanh nghiệp có quy mô lớn thì việc thoái vốn cũng cần có tính toán thận trọng. Chẳng hạn, Vinamilk, một trong 10 doanh nghiệp có tên trong danh sách thoái vốn, lại chính là doanh nghiệp nắm giữ thị phần chi phối toàn thị trường sữa Việt Nam. Một khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối tại Vinamilk, họ cũng chi phối thị trường sữa - mặt hàng thiết yếu đang nằm trong danh mục được bình ổn giá của Nhà nước. Ngoài ra, hiện nay hiếm có doanh nghiệp nội nào có đủ khả năng chi tới gần 2,5 tỷ USD của Vinamilk để thế chân SCIC.
Một vấn đề mấu chốt nữa là, một khi có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần thay đổi chính sách theo hướng có lợi hơn, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nội phát triển khi mà quá trình hội nhập diễn ra ngày càng nhanh chóng. Do đó, SCIC cần cân nhắc đến vấn đề này khi thực hiện bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lộ trình thoái vốn của mình trong thời gian tới.
Thông tin Nhà nước sẽ thoái hết vốn ở 10 doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là trường hợp của Vinamilk sẽ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, bởi đây là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị tốt. Việc bán vốn như thế nào là thuộc thẩm quyền của Nhà nước và lịch trình thoái vốn cụ thể của SCIC. Tuy nhiên, một trong các vấn đề quan trọng SCIC cần thực hiện là cần bán đấu giá công khai, rộng rãi và minh bạch các cổ phần mà SCIC đang sở hữu để đem về lợi ích cao nhất cho Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, việc thoái vốn nên thông qua bán lô lớn cho các nhà đầu tư chiến lược, vì sẽ vừa được giá và vừa đảm bảo thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Nghị định 60/2015/NĐ - CP, thay thế Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, đã có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, trong đó có quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để nghị định này thực sự có hiệu lực, cần phải có thông tư hướng dẫn từ hai bộ là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện tại chỉ có Bộ Tài chính hoàn thành Thông tư 123/2015/TT - BTC hướng dẫn trình tự thủ tục doanh nghiệp thực hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Còn danh mục cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thì lại chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành.
Do đó, theo TS Bùi Quang Tín cho đến ngày 1/9/2015, tức là ngày NĐ 60 này có hiệu lực, thì chỉ có khối các công ty chứng khoán là có thể thực hiện ngay việc “nới room” theo nghị định này. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần của công ty chứng khoán.
Theo quy định tại NĐ 60 này, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại 10 doanh nghiệp mà SCIC dự định thoái vốn vẫn chưa được thay đổi so với các quy định trước ngày 1/9/2015, tức là room của nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải dưới 49%. Bên cạnh đó, lộ trình thoái vốn cụ thể như thế nào, sẽ còn phải chờ hướng dẫn từ SCIC.
Ông Tín cho rằng, Quản trị doanh nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu đối với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng tại Việt Nam, hầu hết các chuẩn mực và nguyên tắc quản trị công ty trong đó có 2 chuẩn mực đặc biệt quan trọng là tính minh bạch và công bố thông tin chỉ được các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ một phần, hoặc chưa được tuân thủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi các doanh nghiệp mà SCIC dự định bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Trên thực tế, Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp cổ phần hiện nay có rất ít quyền hạn. Vị trí này mới chỉ được quy định trên danh nghĩa do yêu cầu của pháp luật. Hơn nữa, một số thành viên Hội đồng quản trị cũng ít quan tâm đến việc tham gia phát triển doanh nghiệp. Những cổ đông là người lao động trong công ty thì trên thực tế chỉ quan tâm đến tỷ lệ chia cổ tức.
Chính vì những lý do trên, nhiều công ty cổ phần hóa đã không có chiến lược phát triển rõ ràng và còn có hiện tượng các cán bộ quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng vị thế và chức quyền để điều hành doanh nghiệp theo hướng có lợi cho cá nhân họ.
TS Bùi Quang Tín kết luận: Do đó, đây là vấn đề rất khó khăn trong quá trình bán cổ phần sắp tới của SCIC một khi SCIC muốn bán các cổ phần này cho các nhà đầu tư nước ngoài hay các cổ đông lớn Việt Nam, vì họ luôn quan tâm đến hoạt động quản trị công ty và luôn yêu cầu hoạt động này cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.