Nhiều ngân hàng trước áp lực thoái vốn

Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng (TCTD) khác phải tính đến việc thoái vốn trước ngày 1/2/2016. Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là các ngân hàng sẽ hết hạn thoái vốn theo lộ trình mà ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép.


Tuy nhiên, thay vì rốt ráo tìm đối tác chuyển nhượng số cổ phần đang nắm giữ thì một số ngân hàng lại xin NHNN cho phép được tiếp tục sở hữu theo tỷ lệ hiện tại.

Khó thoái vốn đúng thời hạn

Theo Thông tư 36 được ban hành ngày 20/11/2014 và có hiệu lực vào tháng 2/2015, mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phần của tối đa không quá 2 TCTD khác và tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần ở mỗi TCTD. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 9 tháng kể từ khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, chỉ có một vài trường hợp đã “thở phào” sau khi tiến hành sáp nhập hay mua lại các công ty tài chính - những đơn vị mà các ngân hàng này đang tham gia giữ vốn. Cụ thể, Techcombank mua lại Tài chính Hóa Chất (VCFC), VPBank mua Tài chính Than Khoáng sản, HDBank mua Công ty tài chính SGVF, SHB mua Công ty Tài chính Vinaconex Viettel, Maritime Bank đã sáp nhập cả MDB lẫn Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10 - 11% cổ phần.

Vietcombank là một trong số nhiều ngân hàng đang nắm nhiều cổ phần tại các TCTD khác.

Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều ngân hàng đang đứng trước khả năng không thể thoái vốn được theo đúng quy định. Bởi hiện nay, NHNN vẫn chưa cho thấy động thái quyết liệt nào trong việc buộc các TCTD thực hiện mức trần sở hữu 5% đến ngày 1/2/2016 theo quy định của Thông tư 36. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) là một ví dụ. Là một trong số những ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức khác nhất, hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính, trong đó, 3 trong 5 TCTD này, Vietcombank đang có tỷ lệ sở hữu vượt 5%.Theo dữ liệu của CafeF, hiện Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank). Ngoài ra, Vietcombank còn giữ 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4,37% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).

Một trường hợp khác, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ 10,3% cổ phần tại Sacombank. Trước đó, Eximbank cũng đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì mới về việc triển khai kế hoạch trên.
Mới đây, cổ phần của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) tại MBB tăng từ 10,6% lên 12,06% sau khi được nhận 22,03 triệu cổ phần tại MBB, một phần của thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB). Số cổ phần sở hữu trực tiếp là 11,8% và sở hữu gián tiếp thông qua công ty quản lý quỹ Tín Phát là 0,2%. Trong trường hợp MBB tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng thành công vào cuối năm, cổ phần của Maritime Bank có thể bị pha loãng còn 9%, nhưng vẫn vượt quá mức 5%. Đáng chú ý, giá cổ phiếu MBB cách đây hơn 3 năm cũng khoảng 14.000 – 15.000/cổ phiếu cũng bằng với giá hiện nay.

Sợ lỗ khi thoái vốn

TS Bùi Quang Tín cho hay, trước áp lực khó thoái vốn đúng thời hạn, một số ngân hàng đã xin gia hạn và đề xuất với NHNN. Cụ thể Vietcombank đã có văn bản gửi NHNN về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank và MB. Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MB, vì cổ phiếu MBB là cổ phiếu tốt và đã được NHNN chấp thuận cho phép Vietcombank nắm giữ cổ phiếu MBB với tỷ lệ như hiện tại. Đối với phần vốn tại Eximbank, theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank cho tới hết năm nay. Giá cổ phiếu EIB cách đây 5 năm là gần 20.000/cổ phiếu, hiện nay giá cổ phiếu này đã giảm gần 50%.

Theo TS Tín, nguyên nhân các ngân hàng chậm trễ thoái vốn là vì nếu thực hiện vào thời điểm này, các ngân hàng sẽ gặp bất lợi. Thực tế, việc thoái vốn hiện nay của các ngân hàng tùy thuộc một phần vào thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán tương đối tốt, các ngân hàng mới thoái vốn để giảm thiểu số lỗ. Thế nhưng, chỉ số chứng khoán của HOSE ngày 1/2/2015 là 570,37 điểm và chỉ số này của ngày 22/10/2015 là 595,08 điểm, tức là chỉ tăng 4,3% sau gần 9 tháng kể từ khi quy định trên của Thông tư 36 có hiệu lực. So với đầu năm 2010 chỉ số cũng chỉ 530 điểm, tức là chỉ tăng 12% sau gần 6 năm. Trong khi đó, chỉ số Vn-Index vào giữa năm 2007 là khoảng gần 1.100 điểm, tức là đã giảm gần 50% đến thời điểm này. “Nếu các ngân hàng thoái vốn đồng loạt tại thời điểm hiện tại thì rõ ràng rất bất lợi, có thể đem lại khoản lỗ lớn cho ngân hàng trong khi việc trích lập dự phòng cho hoạt động tín dụng đang ngày càng nhiều”, TS Tín nhận định.

Dù vậy, nhiều ý kiến chuyên gia tài chính rằng, việc cho phép ngân hàng thoái vốn và chấp nhận lỗ như doanh nghiệp là giải pháp phù hợp, bởi quy luật của thị trường là khi hàng hóa đắt thì ta bán đắt, còn hàng hóa rẻ thì bán rẻ, song cần phải có cơ chế để minh bạch thông tin trong quá trình thoái vốn nhằm tránh làm thất thoát thêm tài sản cũng như làm phức tạp thêm vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN nên có hướng dẫn cụ thể cho việc thoái vốn này để tránh tình trạng chần chừ hiện nay của các ngân hàng.

Theo đề xuất của TS Tín, NHNN nên cân nhắc và có chọn lựa, không thoái vốn bằng mọi giá. Cổ phiếu nào đang lỗ thì bán nhanh hơn, hoặc càng để càng lỗ thì mới thoái, cổ phiếu nào đang lãi thì bán chậm hơn. Về giá cả, phải có công ty bên thứ ba định giá độc lập và phải đảm bảo tính minh bạch, công khai trong các giao dịch để tránh được việc tăng sở hữu chéo hoặc vấn đề sân sau. Ngoài ra, NHNN nên nhất quán và kiên quyết hơn với các quy định trong Thông tư 36. Nếu tạo điều kiện cho một vài trường hợp trì hoãn sẽ tạo ra tiền đề không tốt. Tất nhiên là phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu càng khó xử lý.

Bài và ảnh: Hải Yên
Thoái vốn nhà nước cần  thận trọng và minh bạch
Thoái vốn nhà nước cần thận trọng và minh bạch

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn của Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ. Theo góc nhìn của chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín, để quá trình thoái vốn diễn ra thuận lợi, SCIC cần thực hiện một cách thận trọng và minh bạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN