Băn khoăn định hướng...
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ năm 2011 đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật (gọi tắt là IoT), công nghệ sinh học, công nghệ nano...
Theo ước tính của các tập đoàn lớn trên thế giới, trị giá của thị trường sản phẩm dịch vụ IoT đáng giá hàng nghìn tỷ đô la Mỹ với số lượng thiết bị lên đến hàng chục triệu vào năm 2020, mang lại những tác động đến nền tảng các ngành nghề từ giao thông, y tế, giáo dục, an ninh, môi trường, chống ngập, đến nông nghiệp, nhà ở, v.v.
Hội thảo toàn cảnh CNTT Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT hiểu hơn về định hướng xây dựng mô hình, ứng dụng sản phẩm công nghệ theo ngành công nghiệp 4.0. |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội và vận hội với nền tảng là cư dân trẻ là chủ chốt nguồn lực của xã hội, hướng tiếp cận nhanh, khả năng phát huy và sáng tạo vận dụng sức mạnh tri thức toàn cầu hội nhập là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam trong nền công nghiệp 4.0 chính là quá trình tự động hóa sẽ triệt tiêu nhiều vị trí công việc truyền thống; cách thức tổ chức, quản lý dùng công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt tạo nên khoảng cách trong tăng trưởng giữa các doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các ban ngành đã có nhiều chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề Việt Nam vẫn thiếu nhiều điểm giao thoa trong việc hiểu và ứng dụng CNTT.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ứng dụng hiện nay nhận biết được tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng loay hoay chưa tìm được mô hình thích hợp với năng lực của từng doanh nghiệp hoặc chưa cân đối nguồn lực trong đầu tư cho công nghệ.
“Dò dẫm” chuyển mình
Tại hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam – Vietnam ICT Outlook (VIO) diễn ra ngày 20/9 vừa qua, để giúp doanh nghiệp hiện thực hóa khái niệm cũng như khả năng ứng dụng những sản phẩm CNTT trong thực tế, nhiều chuyên gia đã khái quát lại những định hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA), điều trước mắt là doanh nghiệp và người lao động cần sẵn sàng tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Theo đó, doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm hiểu các yếu tố về trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn giải pháp mà các doanh nghiệp CNTT mang lại mới chỉ dừng ở chính quyền điện tử, công dân điện tử, tối ưu hóa phần mềm quản trị cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây… Điển hình tại VNPT, Phó Giám đốc VNPT TP Hồ Chí Minh Hoàng Quốc Trường cho biết đó là giải pháp I-Office, VNPT Tracking, VNPT eInvoice, VNPT Meeting, VNPT IDC, SMS brandname…
Hay với sản phẩm Lạc Việt SureERP của Công ty CP Tin học Lạc Việt, đây là một giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp toàn diện với những tính năng tối ưu hóa toàn bộ quy trình từ quản lý nguồn lực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, giảm thiểu chi phí vận hành bộ máy…
May mắn hơn, sản phẩm SmartAgri - một trong những giải pháp đột phá của Global CyberSoft, được xem là ứng dụng thiết thực trong việc phục vụ đời sống người nông dân. Đây là ứng dụng nông nghiệp thông minh, được phát triển dựa trên các ứng dụng IoT (Internet of Things). Với ứng dụng này, những người nông dân có thể quản lý, làm chủ được quá trình sản xuất của mình, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong nước và quốc tế.
Với tình hình trên, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng các hiệp hội và doanh nghiệp cần nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Doanh nghiệp công nghệ thông tin đạt được tiêu chuẩn quốc tế sẽ là thế mạnh để tồn tại và phát triển, bởi có tiêu chuẩn là có thị trường.
Đồng tình quan điểm này, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HCA, cho rằng hiện các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 97%), các doanh nghiệp này có ít hơn 100 nhân viên trong các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Do vậy, điều quan trọng chính yếu là các doanh nghiệp cần phải số hóa, nâng cao năng lực.
Để thực hiện số hóa thành công, cần thực hiện 6 bước: phác thảo chiến lược trong cách mạng lần thứ 4, phát triển dự án thí điểm đầu tiên, xác định năng lực cần thiết thực hiện, các dữ liệu cần được số hóa, chuyển đổi thành doanh nghiệp số hóa và phải kết nối với hệ sinh thái trong ngành.
Hiện nay, công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn và đóng góp quan trọng vào GDP Việt Nam. Tổng số doanh nghiệp lĩnh vực này hiện có khoảng 24.500 doanh nghiệp (năm 2016); tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2016 ước đạt khoảng 66,7 tỷ USD (tăng 11,5% so với năm 2015), trong đó công nghiệp phần cứng là 58,9 tỷ USD, công nghiệp phần mềm hơn 3 tỷ USD, còn lại là nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. Kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin năm 2016 cả nước đạt trên 60 tỷ USD. |