Khó khăn vẫn đeo bám ngành thép

Với dự báo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tiếp tục sụt giảm, việc giảm chi phí và tồn kho vẫn là các giải pháp “sống còn” để doanh nghiệp thép có thể duy trì sản xuất.


“Gồng mình” xoay xở

Giảm chi phí và tồn kho vẫn là các giải pháp “sống còn". Ảnh TTXVN.


Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) Lê Phú Hưng thừa nhận: Sản xuất thép 6 tháng đầu năm 2013 khó khăn hơn cả thời kỳ 2011-2012 khiến 7/13 công ty con, 5 công ty liên kết của VnSteel đều thua lỗ. Công ty mẹ cũng hoạt động kém hiệu quả. Còn hai công ty trực thuộc Công ty mẹ là Công ty thép lá tấm Phú Mỹ và Công ty thép Miền Nam đã phải cắt giảm sản xuất để giảm tồn kho khi cung vượt xa cầu.


Tính đến hết tuần đầu tháng 7, giá thành sản phẩm thép các loại vẫn trong xu hướng giảm giá sâu với mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn sản phẩm. Khó khăn lại tăng thêm khi thép trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc; trong đó, giá thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng giá phôi thép tại Việt Nam.


Mặc dù là “anh cả” của ngành thép Việt Nam nhưng Công ty Gang Thép Thái Nguyên cũng đang “gồng mình” xoay xở. Giám đốc Trần Văn Khâm cho biết: Chỉ tiêu còn lại của Công ty trong 6 tháng cuối năm không cao, chỉ sản xuất 314.000 tấn thép cán, 204.000 tấn phôi thép, 110.000 tấn gang và tiêu thụ 281.000 tấn sản phẩm thép các loại nhưng công ty sẽ cực kỳ khó khăn để hoàn thành kế hoạch này.


Ông Tạ Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Thép Miền Nam chia sẻ: Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của công ty đều không đạt kế hoạch so với cùng kỳ 2012, nhiệm vụ còn lại của Công ty trong 6 tháng cuối năm thực sự rất nặng nề nhất là khi thị trường vẫn chưa có yếu tố thuận lợi nào xuất hiện. Trong khi đó, giá thép phế liệu làm nguyên liệu đầu vào chỉ giảm 8,4% còn giá sản phẩm phôi thép sản xuất ra lại giảm trên 16%, giá thép cán giảm hơn 11%. Đây chính là các yếu tố bất lợi khiến Công ty gặp khó khăn lớn trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất để bảo đảm không lỗ cũng như không bị tồn kho sản phẩm, ông Hiếu khẳng định.


Giảm để duy trì sản xuất


Công ty Thép Việt-Hàn VSC- Posco là doanh nghiệp thành viên hiếm hoi của VnSteel vượt cả ba chỉ tiêu quan trọng là sản xuất, tiêu thụ và lợi nhuận so với kế hoạch và so với cùng kỳ 2012. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Thành Đồng chia sẻ: Công ty đã huy động được nguồn tài chính từ nhiều ngân hàng thương mại trong và ngoài nước để đảm bảo đủ vốn cho sản xuất. Cùng đó, tồn kho nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đều được kiểm soát ở mức hợp lý. Nhờ vậy, số dư vốn vay 6 tháng đầu năm đã giảm 22% so với cùng kỳ 2012, dẫn đến chi phí tài chính lãi vay giảm 28% so với cùng kỳ.

Theo Tổng Giám đốc VnSteel Lê Phú Hưng, Công ty mẹ vừa phải vay vốn đầu tư, vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh nên việc giảm chi phí tài chính và giảm tồn kho tiếp tục là giải pháp quan trọng số một để duy trì sản xuất trong những tháng cuối năm. Theo đó, các đơn vị thành viên cần cương quyết thanh lý các vật tư nguyên liệu, thành phẩm, tồn kho lâu ngày không sử dụng nhằm đưa vốn quay trở lại phục vụ sản xuất.


Để giảm các chi phí tài chính khi nguồn vốn của Tổng Công ty gần như không có, trước mắt VnSteel sẽ chỉ tập trung đầu tư cho các hạng mục có khả năng mang lại ngay hiệu quả trong vòng một năm; cân nhắc với các hạng mục đầu tư mang lại hiệu quả chậm từ 3 - 5 năm trừ các dự án siêu lợi nhuận. VnSteel cũng triển khai quyết liệt việc thu gom nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng còn tồn đọng nhiều năm ở các công ty con.


Bên cạnh việc tăng cường quản lý, thực hành tiết kiệm, VnSteel cũng sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, ổn định đời sống người lao động.


Tổng Công ty tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường thế giới và trong nước để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất và xây dựng chính sách bán hàng phù hợp nhất.


Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thép đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thành dự thảo thông tư về quản lý chất lượng thép nhằm hạn chế việc nhập khẩu thép chất lượng kém vào Việt Nam.


Nguyễn Kim Anh

Khó khăn vẫn đeo bám ngành thép
Khó khăn vẫn đeo bám ngành thép

Với dự báo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tiếp tục sụt giảm, việc giảm chi phí và tồn kho vẫn là các giải pháp “sống còn” để doanh nghiệp thép có thể duy trì sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN