Hành trình hát Then tới di sản văn hóa TG-Bài cuối: Để làn điệu Then mãi ngân vang

Do nhiều nguyên nhân, theo điều tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, làn điệu hát Then, đặc biệt là Then cổ đang bị mai một dần. Số nghệ nhân am tường Then cổ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

 

Nguy cơ mai một


Theo các thầy Then Ma Thanh Cao, Hà Phúc Sông, Hà Ngọc Vịnh (huyện Chiêm Hóa), hiện số lượng bài Then cổ đang lưu giữ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn rất ít. Cụ thể Then tính có 76 bài, tổng cộng 819 trang viết tay bằng chữ Tày trên bản giấy có kích thước 20x28 cm, gồm các hình thức Then: Cầu chúc, chữa bệnh, cầu mùa, cấp sắc, bói toán, tống tiễn... Các tư liệu bằng sách chữ Nho ghi chép Then cũng không còn nhiều. Đáng tiếc nhất là trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện không còn ai biết hát Then quạt, một hình thức Then rất độc đáo.


 

Biểu diễn hát Then ở Tuyên Quang.

 

Theo các thầy Then, để hát Then quạt là thầy Then chỉ dùng quạt, mũ, áo, khăn đỏ làm đạo cụ với giai điệu hát kéo dài như hát pụt, âm điệu “ứt, ừ, ừ, ừ…”, đầu hơi lắc lư, tay cầm quạt phe phẩy nhẹ nhàng trước mặt. Then quạt có bộ sách riêng và ra đời rất sớm.


Còn Then tính có nhạc đệm là đàn tính và chùm sóc, quả nhạc, ra đời và phát triển trên cơ sở Then quạt. Khi thể hiện vừa đàn, vừa hát hòa quyện vào nhau. Nhịp lúc nhanh lúc chậm, tùy thuộc vào nội dung khúc hát. Lời của Then tính có một số câu, từ Hán - Việt hoặc vay mượn ngôn ngữ phổ thông. Điều này phần nào làm giảm tiếng Tày trong Then, nhưng có ưu điểm là nhiều người không biết tiếng Tày, khi nghe hát Then vẫn có thể hiểu được nội dung từng đoạn Then.


Không những vậy, nguy cơ một bộ phận người dân tộc Tày ở một số địa phương bị "mất gốc", không còn nói được tiếng mẹ đẻ cũng là thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của hát Then. Xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có hơn 70% dân số là người dân tộc Tày nhưng đến giờ phần lớn không ai còn nói được tiếng Tày. Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, đồng bào dân tộc Tày chiếm đa số, nhưng tình trạng nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không nói được tiếng Tày, cũng không phải là hiếm...


Còn một nguyên nhân nữa là, những nghệ nhân Then chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài việc mời họ tham gia tiết mục trong một số hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện, tỉnh, thì chưa có cơ chế, chính sách, phương hướng lâu dài nào được đưa ra để khai thác, phát huy khả năng truyền dạy của các nghệ nhân đối với lớp trẻ.

 

Bảo tồn và phổ biến hát Then


Đứng trước nguy cơ làn điệu hát Then, đặc biệt là Then cổ đang bị mai một dần, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã khuyến khích các địa phương thành lập các đội văn nghệ quần chúng. Điển hình như, Đội văn nghệ quần chúng U60 ở thôn 2 Thái Bình, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Hơn 10 năm qua, đội văn nghệ U60 không chỉ góp phần bảo tồn mà còn quảng bá những câu hát Then mượt mà say đắm lòng người đến với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.


Ông Hứa Hải Yên, Đội trưởng đội văn nghệ U60 thôn 2 Thái Bình cho biết: Hiện đội có gần 20 thành viên, từ 55-75 tuổi. Mặc dù các thành viên trong đội đều là những người cao tuổi, sức khỏe cũng đã yếu dần, nhưng với tất cả sự đam mê và yêu thích họ đã hát bằng cả trái tim, tấm lòng, họ đắm mình vào điệu hát và quên đi hết sự nhọc nhằn mệt mỏi của cuộc sống thường ngày. Trong những năm qua, đội đã nhiều lần đi diễn và giao lưu với các bản do xã và huyện tổ chức và cũng đã mang về nhiều giải thưởng.


Ngoài phát huy vai trò các đội văn nghệ, tỉnh Tuyên Quang còn có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát Then trong xã hội. Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh có nhiệm vụ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục Then cổ, cải biên cho phù hợp hơn, dễ hát hơn để biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, mỗi khi đi lưu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa là được cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình hưởng ứng, đồng tình. Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức bảo tồn hát Then, như mời các nghệ dân đến để dạy hát Then, đàn tính cho các em trong dịp nghỉ hè.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang băn khoăn: Số nghệ nhân am tường Then cổ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, thế hệ trẻ một phần do không biết tiếng Tày nên không hiểu lời bài hát, dẫn đến không thích, không quan tâm đến hát Then…


Cũng theo ông Thanh, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ làm việc với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh để đưa bộ môn hát Then vào các trường học trong vùng hát Then, bảo đảm thế hệ trẻ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái được tiếp thu làn điệu Then, góp phần tích cực đưa hát Then sống trong lòng quần chúng nhân dân. Đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Then đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Hàng năm, tổ chức hát Then ở mỗi thôn, xã, liên xã nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng đưa Then trở lại phục vụ cuộc sống. Lựa chọn những địa phương có điều kiện thích hợp xây dựng “Làng văn hóa dân tộc Tày”, với yêu cầu duy trì phong trào văn nghệ quần chúng và đội văn nghệ quần chúng để phát triển hát Then.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Hành trình hát Then tới di sản văn hóa TG: Bài 2: Những người “giữ hồn” của làn điệu Then
Hành trình hát Then tới di sản văn hóa TG: Bài 2: Những người “giữ hồn” của làn điệu Then

Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của những thầy Then, nghệ nhân hát Then - những người “giữ hồn” của làn điệu Then ở Tuyên Quang, là mong muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau báu vật của dân tộc mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN